Việt Nam đặt mục tiêu vào top đầu ASEAN về độ tin cậy cung cấp điện năng

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
08:31 - 04/03/2024
Ảnh minh họa: VGP.
Ảnh minh họa: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định 215 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Về mục tiêu cụ thể của chiến lược là đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260 - 280 triệu TOE.

Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và 65 - 70% năm 2045.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 180 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 400 - 420 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 250 - 280 kgOE/1.000 USD GDP.

Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc Top 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc Top 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng dầu cả nước; phấn đấu mức dự trữ xăng dầu đạt 75 - 80 ngày nhập ròng sau năm 2030. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 15 - 20 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 10 - 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 - 10% vào năm 2030 và khoảng 14 - 20% vào năm 2045. Cùng với đó, việc giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 - 35% vào năm 2030, lên mức 70 - 80% vào năm 2045.

Phát triển 4 phân ngành, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Cũng theo Quyết định 215, Việt Nam sẽ phát triển 4 phân ngành năng lượng gồm: phân ngành dầu khí, phân ngành công nghiệp than, phân ngành điện, phân ngành năng lượng mới, tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Để phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách; tái cơ cấu và khuyến khích đầu tư; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế.

Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan: nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng phù hợp với thẩm quyền theo quy định của Chính phủ; giám sát chặt chẽ tình hình cân đối cung cầu năng lượng, tiến độ thực hiện các chương trình, dự án năng lượng trọng điểm; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo;

Tổ chức đàm phán ký kết hợp tác, trao đổi năng lượng với các nước láng giềng và tham gia của Việt Nam vào hệ thống năng lượng liên kết giữa các nước trong khu vực; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, tăng cường thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài uy tín, kinh nghiệm vào phát triển dầu khí trong nước tại các khu vực nước sâu xa bờ.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các điều kiện cần thiết (pháp lý, hạ tầng kỹ thuật,...) cho việc phát triển thị trường điện và thị trường khí, than cạnh tranh hiệu quả; chỉ đạo nghiên cứu, chế tạo trong nước thiết bị của các dự án nhà máy nhiệt điện than, thủy điện, điện mặt trời, điện gió,... các thiết bị khai thác và vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và than; chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ cho các dự án năng lượng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng khác căn cứ thẩm quyền chức năng phối hợp thực hiện chiến lược hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc tiếp