Việt Nam nhập siêu hơn 2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 7

Giao thương Việt nAM
06:32 - 22/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong nửa đầu tháng 7/2022, Việt Nam xuất nhập khẩu đạt 30,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD, xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD, tương đương nhập siêu 2,1 tỷ USD.

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 7/2022, Việt Nam xuất khẩu 14,2 tỷ USD hàng hóa, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là các sản phẩm công nghiệp. Đạt trị giá xuất khẩu cao nhất là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,86 tỷ USD; tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,83 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,66 tỷ USD.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7, Việt Nam xuất khẩu 201 tỷ USD hàng hóa, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 31,4 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 23,2 tỷ USD; hàng dệt, may đạt 20,3 tỷ USD; giày dép các loại đạt 12,8 tỷ USD.

Về nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản, ghi nhận 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm về gỗ vẫn là mặt hàng có trị giá lớn nhất, đạt hơn 9 tỷ USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng nhẹ 1,2%.

Thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong nhóm ngành khi tăng 36%, đạt mức 6,1 tỷ USD. Trước sự tăng trưởng lạc quan này có thể tin rằng ngành thủy sản có thể đạt 9 tỷ USD trị giá xuất khẩu trong năm 2022 như Tổng cục Thủy sản đã đặt mục tiêu trước đó.

Ngày 8/7, tại Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai vụ 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã đặt ra mục tiêu kép cho ngành thủy sản trong năm nay, trong đó tổng sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD.

Cà phê cũng ghi nhận tăng trưởng tốt khi tăng tới 46%, đạt mức 2,4 tỷ USD; gạo chỉ tăng trưởng nhẹ ở mức 3,8%, đạt mức 1,8 tỷ USD. Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, hàng rau quả và hạt điều là mặt hàng có đà tăng trưởng âm, giảm lần lượt 16% và 10%, đạt 1,8 tỷ USD và 1,6 tỷ USD.

Căng thẳng giữa Ukraine và Nga đã làm gián đoạn nguồn cung hạt điều của Việt Nam tới các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU. Lạm phát tăng cao tại châu Âu và Hoa Kỳ thời gian qua cũng ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng, các sản phẩm có giá thành cao sẽ không phải là lựa chọn của nhiều người trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện tại.

Trong khi đó, chính sách “Zero Covid” từ phía Trung Quốc, vốn là thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam lớn nhất, điều này đã khiến xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 16,3 tỷ USD hàng hóa trong nửa đầu tháng 7/2022, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng nhập khẩu chính là các sản phẩm công nghiệp như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác…

Tính từ 1/1/ đến 15/7/2022, Việt Nam nhập khẩu 202 tỷ USD hàng hóa, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác vẫn là ba mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt lần lượt 47 tỷ USD, 11,1 tỷ USD và 24,7 tỷ USD.

Tính đến nửa đầu tháng 7, Việt Nam nhập khẩu 5,4 tỷ USD xăng dầu từ các thị trường khác, như vậy so với cùng kỳ năm 2021, con số này đã tăng tới 124%. Thời gian qua, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga đã khiến nguồn cung dầu mỏ trở nên khan hiếm, kéo theo giá tăng vọt và liên tiếp đạt đỉnh. Trước tình hình này, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu từ các nước cũng tăng lên.

Nhìn chung, nhập khẩu các mặt hàng đều tăng trưởng dương, tuy nhiên đối với mặt hàng ô tô lại ghi nhận giảm 14%. Điều này có thể lý giải từ việc ô tô sản xuất, lắp ráp, sản xuất trong nước được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ (từ 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022) của Chính phủ. Từ đó khiến sự cạnh tranh của xe nhập với xe nội địa giảm đi đáng kể, kéo theo lượng nhập khẩu cũng đi lùi.

Tin liên quan

Đọc tiếp