Việt Nam vẫn là nguồn cung mực, bạch tuộc hàng đầu cho Hàn Quốc

XUẤT KHẨU Việt nAM
15:26 - 15/02/2022
Việt Nam vẫn là nguồn cung mực, bạch tuộc hàng đầu cho Hàn Quốc
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này, đạt 247,9 triệu USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mực và bạch tuộc sau khi giảm mạnh trong quý III/2021 vì tác động của dịch bệnh đã hồi phục tốt trong những tháng cuối năm 2021, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc cả năm 2021 đạt 247,9 triệu USD, tăng gần 7% so với năm 2020.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc, trong đó, sản phẩm bạch tuộc đông lạnh chiếm tới 78% giá trị xuất khẩu. Nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan bằng 0%, giá trị xuất khẩu bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh đã tăng 13%, còn mặt hàng bạch tuộc chế biến tăng 3% so với năm trước.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực khô/nước và mực tươi/sống/đông lạnh giảm lần lượt 23% và 7%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mực chế biến lại tăng mạnh nhất trong các mặt hàng, tăng 52% so với năm 2020.

Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, mực nút đông lạnh...

Theo số liệu của ITC, lượng nhập khẩu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc giảm so với năm trước, chỉ đạt trên 880 triệu USD trong 11 tháng/2021, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai thị trường cung cấp mực, bạch tuộc lớn nhất cho Hàn Quốc.

Còn theo số liệu của kita.org, Việt Nam là nguồn cung bạch tuộc đông lạnh (HS 030752) lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm 43% thị phần. Trung Quốc đứng thứ hai chiếm 41% thị phần.

Về mặt hàng được ưa chuộng thứ hai của Hàn Quốc, mực đông lạnh (HS 030743), Trung Quốc là nguồn cung lớn nhất chiếm 38% thị phần còn Việt Nam đứng thứ 3 chiếm 16% thị phần, sau Trung Quốc và Peru. Năm 2021, Hàn Quốc giảm nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc trong khi tăng nhập khẩu từ Việt Nam.

Top 3 tập đoàn xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Hàn Quốc gồm Công ty CP Chế biến Thủy sản Xuất Nhập Khẩu Kiên Cường chiếm thị phần lớn nhất 10%, đứng thứ hai là Công ty CP Chế biến Thủy sản Xuất Nhập Khẩu Kiên Cường với 9,5%, thứ ba là Công ty TNHH Mai Linh với tỷ trọng 6,5%.

Dự đoán, trong năm 2022, nhu cầu về mực và bạch tuộc vẫn sẽ có sự tăng trưởng ổn định khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động dịch vụ, nhà hàng được khôi phục trở lại tại Hàn Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.