Xuất khẩu hạt tiêu, cà phê tăng mạnh nhất tháng 1/2022

XUẤT KHẨU Nông Sản
09:24 - 12/02/2022
Xuất khẩu thủy sản tháng 01/2022 tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản tháng 01/2022 tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nhiều mặt hàng tăng mạnh như hạt tiêu và cà phê do sự khôi phục tại các thị trường lớn.

Số liệu phân tích thị trường xuất nhập khẩu nông sản tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD, ước tính tăng 10% so với cùng kỳ 2021. Giá trị nhập khẩu đạt 3,3 tỷ USD, ước tính tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021. Thặng dư thương mại tháng 1/2022 ước tính tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu, thủy sản và cà phê tăng mạnh nhất trong tháng đầu năm 2022, do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản ... sau khi các nước này kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động kinh tế đã được mở cửa trở lại.

Xuất khẩu sắn, chè, gạo, hạt điều, rau quả và gỗ giảm nhẹ. Do các thị trường xuất khẩu chè lớn của Việt Nam như Nga, Indonesia, Ấn Độ ... giảm nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản tăng trong tháng 1/2022 là do nhập khẩu các mặt hàng sắn, ngũ cốc, phân bón tăng mạnh.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ 2021; xuất khẩu thủy sản đạt 765 triệu USD, tăng 25,7%; rau quả đạt 301 triệu USD, giảm 2,8%; hạt điều đạt 238 triệu USD, giảm 11,7%; gạo đạt 162 triệu USD, giảm 14,8%; cà phê đạt 343 triệu USD, tăng 22,3%; cao su đạt 334 triệu USD, tăng 9,5%; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 113 triệu USD, giảm 34,7%; hạt tiêu đạt 63 triệu USD, tăng 29,3%; chăn nuôi đạt 63 triệu USD, tăng 11,1%; chè đạt 11 triệu USD, giảm 23,2%.

Trong diễn biến ở một số thị trường chính, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 27% và 19% tổng giá trị xuất khẩu trong tháng 01/2022.

Trong đó cơ cấu của thị trường Trung Quốc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. ASEAN là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong tháng 01/2022, giá trị xuất khẩu tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Đưa ra dự báo về các sản phẩm chủ lực xuất khẩu trong những tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng gạo nhập khẩu toàn cầu niên vụ 2020 - 2021 đạt khoảng 50,6 triệu tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ niên vụ 2019 - 2020 (theo dự báo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ). Dự kiến nhập khẩu toàn cầu 2021 - 2022 sẽ đạt 49,5 triệu tấn, thấp hơn 2020 - 2021 khoảng 2,2%.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo cà phê năm 2022 sẽ tiếp tục tăng giá ở mức cao trên toàn cầu. Do nguồn cung từ các nước sản xuất lớn như Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ bị hạn chế bởi ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài.

Về thủy sản, năm 2022, ngành này được dự báo có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất, xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm. Trong đó tôm vẫn là “át chủ bài” thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam được dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2021 lên 4,3 tỷ USD vào năm 2022. VASEP ước tính xuất khẩu cá tra năm 2022 cũng sẽ đạt mục tiêu khoảng 1,65 tỷ USD, tương ứng mức tăng 7% so với năm 2021.

Bộ Công Thương cũng cho biết, sau năm 2021 khá thành công, xuất khẩu hạt điều sang EU năm 2022 được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 15% về lượng và tăng 10% về trị giá so với năm 2021, đạt trên 155 nghìn tấn, trị giá 900 triệu USD.

Hạt tiêu được Cục Xuất nhập khẩu nhận định, năm 2022, giá xuất khẩu hạt tiêu sẽ giữ ở mức cao, tác động tích cực lên ngành. Ngành hạt tiêu tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, UAE.

Tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, tình hình kinh tế có tín hiệu phục hồi sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng. Lợi thế cạnh tranh mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam so với các thị trường xuất khẩu khác khá lớn. Mặc dù Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số nước sản xuất như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, tuy nhiên lượng nhập khẩu từ các thị trường trên ở mức thấp.

Năm 2022, ngành Nông nghiệp cả nước đề ra mục tiêu cao với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 49 tỷ USD với dự báo nhiều mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp