Việt Nam xuất siêu hơn 11 tỷ USD cả năm 2022

XNK Việt nAM
13:53 - 29/12/2022
Việt Nam xuất siêu hơn 11 tỷ USD cả năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ, xuất siêu 11,2 tỷ USD (so với 3,32 tỷ USD năm 2021).

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.

Trong năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 836 triệu USD (năm trước nhập siêu 2,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ ASEAN 13,6 tỷ USD, tăng 10,6%.

Tháng “ảm đạm” của bức tranh xuất khẩu Việt Nam

Tháng 12/2022, Việt Nam tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng âm của xuất khẩu như tháng trước đó. Xuất khẩu các mặt hàng đều giảm, từ các mặt hàng điện tử, nguyên nhiên liệu, tiêu dùng đến thực phẩm.

Lũy kế 12 tháng, xuất khẩu hàng hóa vẫn đạt mức cao nhất từ trước tới nay với kim ngạch ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm nay, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Nhóm điện tử tiếp tục dẫn đầu trong top các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, riêng ba mặt hàng lớn nhất có tổng kim ngạch ước đạt 160 tỷ USD, tương ứng chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép ước đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34%; dệt may ước đạt 37,4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Agribank, các doanh nghiệp xuất khẩu may mặc vẫn gặp khó khăn khi các thị trường chính đang suy giảm do tình trạng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tình trạng đơn hàng sụt giảm dự báo có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2023.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 15,8 tỷ USD, tăng 7%. Theo báo cáo đầu tháng 12 của VNDirect, xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp Việt sẽ giảm tốc vào năm 2023, chủ yếu do thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ giảm nhu cầu mua nhà và nội thất.

Năm nay là năm đầu tiên xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam đạt mốc 10 tỷ USD. Bất chấp biến động thế giới, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt tại các thị trường chính như Mỹ, EU. Dù vậy, thủy sản cũng phải đối diện với khó khăn trong giai đoạn cuối năm. Theo TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, trong thời điểm cuối năm, không ít doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình trạng bị đối tác hoãn giao đơn hàng ký kết, thậm chí hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận; chậm chạp trong việc trao đổi kế hoạch kinh doanh năm sau.

Trái ngược với kết quả của thủy sản, xuất khẩu hạt điều khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 3,2 tỷ USD trong năm 2022. Sau đà tăng trưởng “nóng” trong năm 2021, sắt thép đã rơi khỏi top 10 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước giảm tới 33%.

Trong nhóm nông sản, rau quả cũng là mặt hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước với -15,5%, nguyên nhân chủ yếu do thị trường Trung Quốc - thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam - thực hiện chính sách "Zero Covid" đã tác động lên tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng nông sản khác là cà phê, chè, hạt tiêu, gạo và sắn đều ghi nhận tăng trưởng lần lượt 28,3%; 10,7%; 2,7%; 7% và 17,1%.

Trước biến động về giá và nguồn cung trong các tháng đầu năm, cả năm 2022, xuất khẩu xăng dầu và dầu thô của Việt Nam tăng lần lượt 41% và 31%, tương ứng đạt 2 tỷ USD và 2,3 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, giảm 0,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,7%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,3 điểm.

Nhập khẩu 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD

Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 của Việt Nam ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 12 tháng, nhập khẩu ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4%. Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%). Điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất với ước đạt 82 tỷ USD; đứng sau là máy móc, thiết bị điện tử, dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 45 tỷ USD, đứng sau là điện thoại và linh kiện đạt 21,2 tỷ USD.

Xăng dầu và dầu thô là hai mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng lớn nhất với lần lượt 124% và 57% so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại, quặng và khoáng sản khác, phế liệu sắt thép là hai mặt hàng có mức tăng trưởng âm cao nhất với -30%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tỷ trọng bằng năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,7%, giảm 1,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, tỷ trọng bằng năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp