Vietnam Airlines chính thức thoát án hủy niêm yết

HVN VIETNAM AIRLINES
17:53 - 26/05/2022
Vietnam Airlines thua lỗ nặng trong 2 năm Covid-19.
Vietnam Airlines thua lỗ nặng trong 2 năm Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 với khoản lỗ sau thuế 13.279 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 13.338 tỷ đồng đã trình bày trong báo cáo tự lập. 

Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2021, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần 27.911 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 13.278 tỷ đồng. Lỗ lũy kế 21.961 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 22.144 tỷ đồng.

Theo quy định, doanh nghiệp có lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc. Như vậy, việc vẫn đảm bảo vốn chủ sở hữu dương đã chính thức giúp HVN thoát án hủy niêm yết. Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, vốn chủ của Vietnam Airlines liên tục sụt giảm mạnh. Thời điểm cuối quý 2/2021, hãng bay này lỗ lũy kế 17.771 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ là 14.183 tỷ đồng. Để khắc phục, công ty đã huy động vốn từ cổ đông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, từ đó tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.

Tuy xác nhận vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines dương nhưng kiểm toán viên từ Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cũng chỉ ra loạt vấn đề nghiêm trọng về tình hình tài chính của tổng công ty như: Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỷ đồng, phải trả quá hạn 15.779 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỷ.

“Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê”, Deloitte lưu ý.

Vietnam Airlines là một trong những đơn vị chậm trễ nhất trong việc công bố báo cáo tài chính. Trong quý 1/2022, công ty này cũng có công văn đề nghị được hoãn nộp báo cáo tài chính quý này vì lý do những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ, nhân viên phải cách ly, điều trị tại nhà, dẫn đến thiếu nhân sự làm công tác kế toán.

Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) không chấp thuận đề nghị trên; đồng thời yêu cầu Vietnam Airlines phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý theo quy định của pháp luật, khẩn trương công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 và báo cáo thường niên năm 2021.

Sau đó, ngày 20/5, Vietnam Airlines mới công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu hợp nhất hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu cao nhất của Vietnam Airlines 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên giá vốn bán hàng vẫn vượt doanh thu, cộng thêm chi phí, HVN tiếp tục lỗ 2.685 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 24.574 tỷ đồng. Dù vậy mức lỗ đã cải thiện hơn so với khoản lợi nhuận âm hơn 4.000 tỷ đồng quý đầu năm 2021.

Như vậy sau quý 1, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines lại âm 2.160 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa ảnh hưởng đến việc giao dịch cổ phiếu HVN vì quy định hủy niêm yết do lợi nhuận âm vượt vốn chủ sở hữu tính theo báo cáo tài chính kiểm toán năm. Năm nay, nếu lợi nhuận Vietnam Airlines vẫn không dương thì doanh nghiệp tiếp tục bị liệt vào danh sách bị hủy niêm yết bắt buộc do 3 năm làm ăn thua lỗ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN đang chạm đáy thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Kết phiên 26/5, mã giao dịch ở vùng giá 17.850 đồng/cp. Công ty dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 28/6 tới đây, ngày đăng ký cuối cùng là 27/5.

Tin liên quan

Đọc tiếp