Vietnam Airlines lại xin hoãn công bố báo cáo tài chính, 'án' huỷ niêm yết treo lơ lửng

Hàng KHông Việt nAM
10:53 - 01/03/2022
Vietnam Airlines đã nhiều lần xin hoãn nộp báo cáo tài chính.
Vietnam Airlines đã nhiều lần xin hoãn nộp báo cáo tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.475 tỷ đồng, nếu mức lỗ của doanh nghiệp trong quý IV/2021 bằng hoặc hơn con số này thì sẽ phải hủy niêm yết theo quy định.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN) Vietnam Airlines vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính quý IV/2021 vì lý do “bất khả kháng”.

Theo trình bày của HVN, sau Tết Nguyên Đán tình hình dịch diễn biến phức tạp với số ca F0 tăng cao. Nhân sự bộ phận kế toán của Tổng công ty và các công ty thành viên phải thực hiện giãn cách và làm việc online nên việc báo cáo số liệu, tài liệu từ 15 công ty con để lập báo cáo tài chính hợp nhất gặp nhiều khó khăn. Vì vậy phía Tổng công ty không thể tổng hợp báo cáo tài chính để thực hiện công bố thông tin như kỳ vọng.

Trước đó vào ngày 26/1, Vietnam Airlines cũng đã có văn bản tương tự về việc xin hoãn công bố báo cáo tài chính. Trong văn bản đó, HVN trình bày, từ cuối quý 4/2021 Chính phủ đã cho phép từng bước mở lại các chuyến bay nội địa và thường lệ quốc tế để vận chuyển hành khách.

Tuy nhiên do thị trường chưa thực sự hồi phục, đồng thời vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới nên Vietnam Airlines vẫn chỉ bố trí tối đa 50% nhân viên khối văn phòng đến công sở làm việc. Điều này dẫn đến quá trình luân chuyển, xử lý chứng từ, đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị để lập báo cáo tài chính quý 4/2021 bị chậm trễ, đòi hỏi phía doanh nghiệp cần có thêm thời gian để hoàn tất.

Đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines liên tục trì hoãn công bố báo cáo tài chính. Trong năm 2021, đơn vị này cũng chậm chễ trong việc nộp báo cáo tài chính quý 2, quý 3 và lý do được đưa ra đều là vì Covid-19.

Vietnam Airlines chịu thiệt hại nặng nề trong 2 năm Covid-19.

Vietnam Airlines chịu thiệt hại nặng nề trong 2 năm Covid-19.

Vietnam Airlines trì hoãn công bố báo cáo tài chính diễn ra trong bối cảnh Hãng hàng không quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ bị huỷ niêm yết nếu báo cáo kiểm toán năm 2021 của doanh nghiệp ghi nhận vốn chủ sở hữu ở mức âm. Trường hợp này xảy ra nếu mức lỗ quý IV/2021 của hãng vượt quá vốn chủ sở hữu còn lại tại thời điểm cuối quý III/2021.

Đối mặt với tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, trong năm 2021, Vietnam Airlines đã thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, đợt phát hành đã chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 5/8 đến 14/9/2021 và kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán. Với số tiền thu được hơn 7.961 tỷ đồng, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE.

Tuy nhiên nếu kết quả kinh doanh quý IV/2021 không khởi sắc hơn các quý trước thì nguy cơ bị hủy niêm yết của HVN vẫn rất cao vì con số lỗ sau thuế 9 tháng đầu năm 2021 đã ở mức 12.153 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2021, doanh thu của Vietnam Airlines trong khoảng thời gian này đạt 4.735 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; lỗ gộp hơn 3.000 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là 3.369 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 18.700 tỷ đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ đạt 32.410 tỷ đồng. Lỗ ròng 9 tháng là 11.790 tỷ đồng, cao hơn đáng kể khoản lỗ 8.075 tỷ đồng cùng kỳ. Tính đến cuối quý III, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên tới 21.219 tỷ đồng.

Mặc dù đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm gần 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng nhưng hết quý III/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines cũng chỉ còn 1.475 tỷ đồng. Nếu trong quý IV/2021, Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ bằng hoặc lớn hơn con số này thì sẽ bị hủy niêm yết theo quy định. Ngoài ra nếu năm 2022 Vietnam Airlines vẫn không thể có lãi thì sẽ có 3 năm lỗ liên tiếp và đây cũng là 1 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc. Hiện trên sàn HoSE, HVN đang trong diện bị kiểm soát.

Năm qua là một năm nhiều cảm xúc với cổ đông Vietnam Airlines khi giá cổ phiếu trồi sụt thất thường. Giai đoạn tụt dốc nhất là tháng 6-7 với mức giá có phiên tụt xuống 18.000 đồng/cp. Tuy nhiên cũng có giai đoạn leo cao lên tới 28.000 đồng (tháng 9). Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, HVN trên đà phục hồi sau khi các đường bay quốc tế liên tiếp được mở lại, mức giá giao dịch phiên sáng 3/1 là 25.000 đồng/cp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.