VNDirect hạ dự báo GDP Việt Nam năm 2022 xuống 7,1%

KINH TẾ Việt nAM
08:46 - 18/04/2022
VNDirect hạ dự báo GDP Việt Nam năm 2022 xuống 7,1%
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia VNDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 7,5% trước đó xuống 7,1% trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức gián tiếp từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá hàng hóa leo thang và việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 5,6% trong quý II/2022

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô mới nhất, Công ty chứng khoán VNDirect dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý II/2022, cải thiện so với mức tăng trưởng 5,03% của quý I và CPI bình quân quý II/2022 ước tăng 3,1% so với cùng kỳ do giá hàng hóa tăng cao.

Nền kinh tế Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh và giá cả hàng hóa leo thang để ghi nhận mức tăng trưởng GDP 5,03% trong quý I/2022, cải thiện so với mức tăng 4,7% cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó của VNDirect là 5,5%.


Bước sang quý II/2022, đối với ba trụ cột của nền kinh tế, khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ mở cửa trở lại hầu hết các dịch vụ không thiết yếu (bao gồm du lịch, vận tải công cộng, vui chơi giải trí) và cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục phục hồi sau khi không còn giãn cách xã hội.

Đồng thời Chính phủ quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nhiều mặt hàng từ 10% xuống 8% kể từ đầu tháng 2/2022. Do đó, khu vực dịch vụ được dự báo tăng trưởng 6,5% trong quý II, cao hơn mức tăng trưởng 4,6% cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng có thể chậm lại trong quý II/2022 do tác động tiêu cực của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 5,7% trong kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 6,4% quý I/2021.

Tương tự, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản được dự báo tăng trưởng 2,1% trong quý II/2022. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng 2,4% của quý I/2022 do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.

Hạ dự báo GDP 2022 của Việt Nam xuống 7,1%

Báo cáo cho rằng, đà phục hồi kinh tế trong nước đang được hỗ trợ bởi Việt Nam dần dịch chuyển trạng thái sang sống chung với COVID-19 và coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tuy vậy, nền kinh tế lại phải đối mặt với những bất ổn từ nhiều phía

Thứ nhất, sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới do khủng hoảng Nga - Ukraine có thể thu hẹp nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nhiều tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 để phản ánh những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra. Cụ thể, Economist Intelligence (EIU) đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực châu Âu trong năm 2022 xuống mức 2%, từ dự báo trước đó là 3,9%.

Trong bối cảnh người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU và Nhật Bản thắt chặt chi tiêu, VNDirect đánh giá nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể sẽ giảm, đặc biệt là hàng lâu bền và hàng tiêu dùng.

Thứ hai, đà tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chậm lại do giá vật liệu xây dựng và chi phí logistic gia tăng.

VNDirect cho rằng các dự án đầu tư công phải đối mặt với rủi ro chậm tiến độ trong thời gian tới nếu giá vật liệu xây dựng trong nước bao gồm thép, xi măng và đá xây dựng vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Các nhà thầu xây dựng có thể chậm triển khai dự án so với kế hoạch ban đầu do giá vật liệu xây dựng tăng cao làm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng thu hẹp đáng kể.

Ngoài ra, theo IHS Markit, tổ chức cung cấp chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam hàng tháng, đã chỉ ra rằng trong tháng 3 vừa qua, giá đầu vào của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 11 năm qua.

Đây là nguyên nhân chính khiến chỉ số PMI của Việt Nam tháng vừa qua giảm xuống mức 51,7 điểm từ mức 54,3 điểm của tháng trước đó. Vì vậy, chuyên gia của VND quan ngại rằng, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại trong quý II/2022.

Thứ ba, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất điều hành nhanh hơn dự kiến, làm điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, dẫn đến thu hẹp dư địa để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thứ tư, việc Trung Quốc duy trì chính sách zero-Covid có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 165,9 tỷ USD vào năm 2021.

Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD (chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 109,9 tỷ USD (chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam). Do đó, báo cáo đánh giá, diễn biến dịch bệnh và chính sách zero-COVID của Trung Quốc có thể sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những quý tới.

Trong bối cảnh trên, VNDirect quyết định hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống mức 7,1% so với cùng kỳ (dự báo trước đó là 7,5%). Song, các chuyên gia lạc quan rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 xuống còn 5,3% là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%. Một trong những lý do đó là các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, cùng với cú sốc tỷ giá thương mại và các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn duy trì dự báo kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 nhờ vào việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng và các hoạt động thương mại; các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, cũng như việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ giữa tháng 3.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.