Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên gặp thất bại

Vệ tinh Triều Tiên
10:43 - 31/05/2023
Tin tức về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên được đưa trên TV tại Ga Xe lửa Seoul, Hàn Quốc ngày 31/5. Ảnh: AP
Tin tức về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên được đưa trên TV tại Ga Xe lửa Seoul, Hàn Quốc ngày 31/5. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 31/5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết vụ phóng vệ tinh của nước này đã gặp thất bại khi bộ tăng áp và thiết bị phóng lao xuống biển, trong khi quân đội Hàn Quốc thông báo đã thu hồi được một số bộ phận từ vụ phóng này.

Trong một tuyên bố ngày 31/5, AP trích dẫn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết tên lửa Chollima-1 của Triều Tiên được phóng vào khoảng 6:30 sáng theo giờ địa phương từ khu vực phía tây bắc Tongchang-ri, nơi đặt trung tâm phóng vũ trụ chính của Triều Tiên. Vụ phóng lần này là nỗ lực phóng vệ tinh thứ 6 của Triều Tiên và cũng đồng thời là lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Tuy nhiên theo Reuters trích dẫn thông báo từ KCNA sau đó, vụ phóng vệ tinh Chollima-1 đã thất bại do động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định. Cụ thể, tên lửa mang theo vệ tinh bị mất lực đẩy sau khi tách rời giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ 2 và rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của Bán đảo Triều Tiên.

KCNA cũng cho biết Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) của Bình Nhưỡng sẽ điều tra "những khiếm khuyết nghiêm trọng" và hành động để khắc phục chúng trước khi tiến hành vụ phóng thứ hai càng sớm càng tốt. Trước đó, Triều Tiên đã thông báo sẽ phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6.

Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đã khiến chính quyền một số vùng tại Hàn Quốc và Nhật Bản phát các cảnh báo khẩn cấp và cảnh báo sơ tán. Còi báo động không kích rền vang khắp thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào khoảng 6:32 sáng ngày 31/5 theo giờ địa phương khi chính quyền thành phố cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán.

Tuy nhiên sau khi Triều Tiên thông báo vụ phóng thất bại, các cảnh báo tại thủ đô đã được rút lại. Về phía Nhật Bản, chính phủ cũng đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp trên hệ thống J-Alert nhằm thúc giục người dân ở khu vực Okinawa trú ẩn trong nhà vào sáng sớm ngày 31/5. Tuy nhiên sau khi xác nhận tên lửa sẽ không bay vào lãnh thổ quốc gia, các cảnh báo đã được dỡ bỏ.

Trước đó trong dữ liệu cung cấp cho các cơ quan quốc tế, Triều Tiên cho biết vụ phóng sẽ mang tên lửa bay về phía nam trong khi các mảnh vỡ khác dự kiến sẽ rơi xuống Hoàng Hải và Thái Bình Dương. Sau khi vụ phóng xảy ra, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đã tìm kiếm và trục vớt các mảnh vỡ được cho là một phần của vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên.

Nhằm phản ứng lại động thái này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các quan chức từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc điện đàm và "lên án mạnh mẽ" vụ phóng. Trong một tuyên bố chung, các quốc gia này cho biết “sẽ cảnh giác với tinh thần cao độ”.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết chính phủ nước này “cực lực lên án hành động của Triều Tiên” và đã gửi đơn khiếu nại tới Bình Nhưỡng thông qua các kênh ngoại giao tại Bắc Kinh.

Trong khi đó Nhà Trắng lên án vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang đánh giá tình hình với sự phối hợp của các đồng minh. Trước vụ phóng hôm 31/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp