Xuất khẩu dệt may trong quý I/2022 tăng cao nhất trong 10 năm

Dệt May Việt nAM
08:56 - 12/05/2022
Xuất khẩu dệt may trong quý I/2022 tăng cao nhất trong 10 năm
0:00 / 0:00
0:00

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, xuất khẩu dệt may đạt 8.68 tỷ USD, tăng 20.3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường xuất khẩu cũng như các đơn hàng dần tăng mạnh.

Thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ với trị giá hơn 4,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 50,3% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may trên cả nước. Xếp thứ 2 và 3 lần lượt là EU với 896 triệu USD, tăng 31% và thị trường Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 7%.

Tại báo cáo tài chính quý I/2022 của 24 doanh nghiệp dệt may niêm yết trên sàn cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tăng lãi, tuy nhiên có 3 doanh nghiệp giảm lãi và 2 doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ.

Tăng trưởng mạnh nhất là Vinatex với lãi ròng gần 200 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đại diện doanh nghiệp cho biết, đơn vị đã tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm 2021, hầu hết các đơn vị sợi của tập đoàn đã có được các đơn hàng với giá bán tốt, cộng thêm việc dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những quyết sách phù hợp, dự trữ được lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả rất tích cực.

Một doanh nghiệp dệt may có mức tăng trưởng mạnh nữa là Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG), có mức lãi quý 1/2022 tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ với lãi ròng gần 26 tỷ đồng, lợi nhuận chủ yếu đến từ doanh thu thuần tăng mạnh. Theo sau là Tổng CTCP Dệt may Hoà Thọ (HTG) cũng tăng lãi gấp 3,5 lần tương đương với gần 73 tỷ đồng, nhờ vào nhu cầu và giá bán của ngành sợi tăng cũng như tận dụng được lợi thế về giá nguồn nguyên liệu đầu vào thấp.

Một doanh nghiệp khác cũng báo lãi hơn trăm tỷ đồng là Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) với con số đạt hơn 107 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ nhờ doanh thu tăng và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất bán.

Loạt doanh nghiệp khác cũng báo lãi ròng tăng so với cùng kỳ còn có Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đạt hơn 38 tỷ, Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) hơn 73 tỷ đồng và Tổng CTCP Phong Phú (PPH) với gần 161 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác như Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (HSM), May mặc Bình Dương (BDG) cũng đồng loạt báo lãi tăng lần lượt hơn 222% và 208% trong quý đầu năm.

Kế hoạch tăng trưởng năm 2022

Trong năm nay, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đề ra kế hoạch đem về 4,183 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với 2021 và 253.8 tỷ đồng lãi sau thuế tăng 76% so với năm trước.

Tương tự, Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG) cũng đặt kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế năm 2022 lần lượt đạt 6,500 tỷ đồng, tăng 8% và 150 tỷ đồng tăng 50% so với năm trước. Theo VGG, đối với thị trường nội địa, công ty sẽ xây dựng phương án hoạt động của hệ thống kênh phân phối để phù hợp hình thức kinh doanh, bán sản phẩm trong tình hình mới, mục tiêu giải phóng nhanh hàng tồn kho.

Ngoài ra, công ty sẽ mở thêm các cửa hàng Việt Tiến House tại một số địa điểm trọng yếu toàn quốc và tiếp tục phát triển thêm các cửa hàng bán thương hiệu giày thể thao Nike tại TP HCM và các tỉnh thành. Với thị trường xuất khẩu, VGG sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đủ nguồn hàng sản xuất cho các đơn vị thành viên trong toàn hệ thống, tập trung sản xuất những đơn hàng đã được ký kết với các khách hàng bị lùi tiến độ do dịch bệnh phải ngừng sản xuất…

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng đặt kế hoạch lãi sau thuế tăng 20%, lên mức 279 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu dự kiến cũng tăng 10%, đạt 5,990 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chuyên về sợi là Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) lên kế hoạch đem về gần 2,606 tỷ đồng tổng doanh thu và hơn 300 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, lần lượt tăng 28% và 8% so với năm trước. Đây cũng là con số doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của đơn vị.

Về tác động của hiệp định EVFTA đối với thị trường sợi trong nước, Sợi Thế Kỷ đang tiếp cận với một số đối tác để tìm hiểu mua sợi nhằm phục vụ hàng xuất khẩu sang EU. EVFTA có hiệu lực, một trong các điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu hàng may mặc và vải phải sản xuất trong nước. Để đạt tiêu chí xuất xứ ở Việt Nam thì vải phải đạt hàm lượng giá trị sản xuất trong nước nên các nhà sản xuất vải phải mua sợi tại Việt Nam.

Điểm xám trong bức tranh lợi nhuận dệt may quý I

Trong khi phần đông doanh nghiệp lần lượt khoe lãi lớn, một số công ty lại đón kết quả đáng buồn. Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm đã kéo lãi ròng Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (SGI) tụt dốc 57%, xuống còn 25 tỷ đồng.

Tại Garmex Sài Gòn (GMC), tại quý I/2022, ngân hàng báo lỗ hơn 8 tỷ đồng do đơn hàng xuất khẩu giảm trong khi phải chuyển gia công may trong nước và năng suất tại công ty chưa đạt được theo lộ trình đã đề ra.

Một trường hợp buộc huỷ 50 triệu cp niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE vào ngày 16/05 tới đây (ngày giao dịch cuối cùng là 13/05/2022) là Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quang (FTM). Lý do công ty này kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp và tổ chức kiểm toán có ý kiến đối với báo cáo tài chính trong 3 năm lỗ liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định, với tổng lỗ luỹ kế 13 quý liên tiếp cán mốc 466 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp