Xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2024 tăng mạnh cả về lượng và trị giá

XUẤT KHẨU Hạt tiêu
18:03 - 17/02/2024
Xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2024 tăng mạnh cả về lượng và trị giá
0:00 / 0:00
0:00
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 20.000 tấn, mang về 79 triệu USD, tăng 60,2% về lượng và 83,9% về trị giá so với tháng 1/2023.

Dù vậy, so với tháng 12/2023, mức xuất khẩu này có sự giảm nhẹ 1,4% về lượng, nhưng lại tăng 1,9% về trị giá do giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1/2024 ước đạt 3.953 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2023 và tăng 14,8% so với tháng 1/2023.

Nhìn lại năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 265.897 tấn hạt tiêu, trị giá gần 910,5 triệu USD, tăng 16,3% về lượng nhưng giảm 6,2% về giá so với năm 2022.

Trong đó, về cơ cấu chủng loại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu đen, chiếm 69,51% tổng lượng và chiếm 70,67% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt tiêu đen đã tác động tích cực lên toàn ngành.

Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 184.800 tấn, trị giá 643,5 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 1% về trị giá so với năm 2022.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đen sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống hạt tiêu đen của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Philippines…

Thị phần của tiêu Việt Nam trong giỏ hàng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu tính toán từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này năm 2023 đạt gần 9,2 nghìn tấn, trị giá 39,8 triệu USD, tăng 4,5% về lượng, nhưng giảm 6,1% về trị giá so với năm 2022.

Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu hàng năm của Trung Quốc khoảng 65.000 - 70.000 tấn. Thông thường sau Tết nguyên đán, Việt Nam vào kỳ thu rộ cũng là lúc thương nhân Trung Quốc tăng cường tìm kiếm nguồn hàng.

Năm 2024, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng so với năm 2023. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu hạt tiêu trên thế giới.

Hiện hạt tiêu chủ yếu được dùng làm gia vị và trong công nghiệp thực phẩm, là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương của nước này như Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc và một số tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc.

Đặc biệt, khi du lịch nội địa có xu hướng phục hồi mạnh cũng kéo theo nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ ăn uống gia tăng. Bên cạnh đó, mùa Đông năm nay lạnh và kéo dài khiến nhiều người dân hướng đến sử dụng các món ăn cay, nóng như lẩu, nướng..., trong đó hạt tiêu là một trong những gia vị không thể thiếu.

Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Indonesia là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất với khối lượng xuất khẩu vào thị trường này, đạt trên 4.050 tấn, trị giá 17,63 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 19,5% về trị giá so với năm 2022. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,1% trong năm 2022 xuống 44,09% trong năm 2023.

Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong năm 2023, lượng đạt 3.359 tấn, trị giá 13,2 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 1% về trị giá so với năm 2022. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 32,39% trong năm 2022 lên 36,57% trong năm 2023, tương ứng tăng 4,18 điểm phần trăm. Đây là mức tăng lớn nhất trong số các thị trường cung cấp hạt tiêu chính của Trung Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.