Xuất khẩu nông sản vào Algeria, tiềm năng lớn nhưng nhiều rào cản

XUẤT KHẨU Nông Sản
07:33 - 02/03/2022
 Algeria nhập khẩu 50% lương thực, thực phẩm. Ảnh minh họa
Algeria nhập khẩu 50% lương thực, thực phẩm. Ảnh minh họa
Algeria đang chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế song nước này vẫn phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong đó có 50% lương thực, thực phẩm. Đây chính là cơ hội cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Algeria sẽ đạt tăng trưởng 3,3% vào năm 2022 và tiến vào thời kì ổn định 3% vào năm 2023, 2024, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria cho biết Việt Nam sẽ có nhiều dư địa xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh sang thị trường này trong thời gian tới.

Đưa ra “Cẩm nang kinh doanh và đầu tư tại thị trường Algeria năm 2021", Thương vụ Việt Nam tại Algeria phân tích, đây là nền kinh tế lớn thứ tư của châu Phi với dân số hơn 44 triệu người. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Algeria năm 2021 chỉ đạt 148,2 triệu USD, giảm 22% so với năm 2020 do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Việt Nam nhập khẩu từ Algeria các mặt hàng chân gà, thuốc tân dược, thức ăn gia súc và nguyên liệu, quả minh quyết... Trong cán cân thương mại song phương, Việt Nam xuất siêu gần như tuyệt đối.

Theo ông Hoàng Đức Nhuận, mặc dù Algeria đang chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế song nước này phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong đó có 50% lương thực, thực phẩm. Tổng kim ngạch nhập khẩu mỗi năm khoảng 34 tỷ USD trong đó có hàng nông sản, thủy sản, sắt thép, giày dép, và máy móc thiết bị của Việt Nam.

Ảnh tác giả

“Mặc dù chính phủ Algeria đã đề ra Chương trình quốc gia nhằm phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực nhưng nước này vẫn chưa thành công trong việc giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Do vậy, thị trường này được đánh giá nhiều tiềm năng và dư địa cho các mặt hàng nông sản Việt Nam”.

Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria

Chỉ ra một số mặt hàng nông sản có thế mạnh, ông Nhuận phân tích, Algeria là quốc gia không trồng cà phê nên phải nhập khẩu 100% để phục vụ nhu cầu trong nước. Cà phê là đồ uống ưa chuộng nhất của người Algeria.

Những nước cung cấp cà phê chính cho Algeria là Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Braxin, Italia và Uganda. Từ nhiều năm qua, cà phê luôn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Algeria. Thị phần cà phê của Việt Nam thường duy trì ở mức cao nhất, chiếm trên 50%.

Tổng thuế và phí nhập khẩu cà phê vào Algeria là 61%, trong đó thuế nhập khẩu là 30%, thuế VAT 19%, thuế tiêu thụ nội địa 10% và thuế đoàn kết là 2%.

Bên cạnh đó, Algeria cũng không sản xuất lúa gạo nên mặt hàng này gần như được nhập khẩu 100%. Số lượng gạo nhập khẩu của Algeria khoảng 100.000 tấn/năm, chiếm trên 1% trong cơ cấu tiêu dùng lương thực của nước này.

Thuế nhập khẩu gạo vào Algeria là 5%, thuế VAT 9% và thuế đoàn kết cộng đồng là 2%. Như vậy, do là hàng lượng thực nên mặt hàng này có mức thuế nhập khẩu khá thấp, tổng cộng là 16% so với các mặt hàng khác (trung bình là 51% trong đó thuế nhập khẩu là 30%).

Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu gia vị, đặc biệt là hạt tiêu của Algeria cũng khá cao do nước này không sản xuất được. Mỗi năm trung bình Algeria nhập khẩu 30 triệu USD hàng gia vị trong đó chủ yếu hạt tiêu đen.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đạt 2,16 triệu USD. Năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 1.046 tấn hạt tiêu, giá trị 1,82 triệu USD. Tại Algeria, hạt tiêu của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng của các nước Ấn Độ, Pakistan và Braxin.

Tổng các loại thuế và phí nhập khẩu hạt tiêu là 81% bao gồm thuế nhập khẩu 30%, VAT 19%, thuế tiêu thụ nội địa 30% và thuế đoàn kết 2%. Ngoài hạt tiêu, quế cũng là mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Algeria. Năm 2020, nước ta đã xuất khẩu mặt hàng này với kim ngạch đạt 2,1 triệu USD.

Với việc mở lại biên giới của Algeria trong năm 2020 và tình hình COVID-19 dần được kiểm soát, cũng như vấn đề giá cước vận tải dần được giải quyết, xuất khẩu mặt hàng gia vị của Việt Nam dự báo sẽ có sự tăng trưởng trở lại trong những năm tới.

Bên cạnh đó, do không sản xuất được hạt điều, Algeria phải hoàn toàn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu điều các loại của Algeria khoảng 10 triệu USD, trong đó điều nhân của Việt Nam chiếm tới 6,5 triệu USD, tăng 10% bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19. Đây được xem là mặt hàng xa xỉ của Algeria nên tổng thuế và phí nhập khẩu lên tới 81%.

Ngoài nông sản, mặt hàng thủy sản cũng có tiềm năng tại Algeria. Mặc dù quốc gia Bắc Phi này có đường bờ biển dài 1.200 km, song sản lượng đánh bắt chỉ đạt 100.000 tấn/năm và thủy hải sản tại Algeria có giá bán rất đắt, không phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân.

Theo Hải quan Algeria, mỗi năm nước này đã nhập khẩu 32.000 tấn thủy hải sản, kim ngạch đạt từ 90 - 100 triệu USD. Các nước xuất khẩu chính gồm Tadjikistan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Morocco.

Trước đại dịch COVID-19, thủy hải sản luôn nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria, với giá trị từ 9 - 10 triệu USD/năm (chủ yếu là cá tra, cá ba sa). Tổng thuế và phí nhập khẩu vào Algeria đối với nhóm hàng này là 51% (trong đó thuế nhập khẩu là 30%, thuế VAT 19% và thuế đoàn kết 2%).

Ngoài những thuận lợi về nhu cầu hàng hóa nhập khẩu nói trên, Tham tán Hoàng Đức Nhuận cũng cho biết, Algeria là thị trường có dân số tương đối đông, khoảng 44 triệu người, GDP bình quân đầu người trên 3.300 USD với sức mua khá lớn. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp nước này cũng khá tốt.

Việt Nam và Algeria có nền tảng mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp, người dân Algeria rất quý trọng Việt Nam và sẵn sàng giúp đỡ, mong muốn có quan hệ đối tác, thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương phát triển. Hàng hóa Việt Nam được người tiêu dùng Algeria ưa chuộng và nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng tại thị trường này như cà phê, hải sản, hạt tiêu, cơm dừa, điều nhân...

Bên cạnh những thuận lợi, ông Nhuận khuyến cáo các doanh nghiệp cần lưu ý các khó khăn khi Algeria chưa phải là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hàng rào thuế quan của Algeria vẫn rất cao, mang tính bảo hộ rõ rệt. Thuế nhập khẩu trung bình là 30%, thuế VAT 19%, thuế đoàn kết 2%, thuế tiêu thụ nội địa 30% và thuế phòng vệ bổ sung với tỷ suất từ 30% đến 100%.

Trên thị trường Algeria, hàng Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa nhiều nước khác đặc biệt là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... Các sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt nhất là may mặc, giày dép, chè, hàng điện tử, vật liệu xây dựng và các mặt hàng tiêu dùng khác.

Bên cạnh đó, việc Algeria đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, khối Ả rập và châu Phi khiến cho hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh với hàng cùng loại của các nước thành viên các FTA này khi thâm nhập thị trường Algeria do phải chịu thuế nhập khẩu cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp