Xuất khẩu thịt lợn tăng đột biến 343,7%, nhưng giảm 54% về giá bán

XUẤT KHẨU Thịt lợn
11:13 - 08/09/2022
Năm 2022, Bộ Công Thương dự kiến nhu cầu lợn thịt sẽ đạt mức khoảng 51 triệu con.
Năm 2022, Bộ Công Thương dự kiến nhu cầu lợn thịt sẽ đạt mức khoảng 51 triệu con.
0:00 / 0:00
0:00
Sản lượng xuất khẩu các mặt hàng thịt lợn của Việt Nam ghi nhận mức tăng đột biến trong tháng 7/2022, khi tăng tới 343,7% về lượng và tăng hơn 104% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giá bán bình quân lại giảm hơn một nửa.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại gồm thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh), đùi ếch đông lạnh.

Đáng chú ý, trong số này khối lượng các mặt hàng thịt lợn xuất khẩu lên tới 1.050 tấn, đem về 4,47 triệu USD, tăng 343,7% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với tháng 7/2021. Song, giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng thịt lợn lại chỉ đạt 4.235 USD/tấn, giảm 54% so với tháng 7/2021.

Thị trường xuất khẩu chính mặt hàng thịt lợn của Việt Nam là Hong Kong, Thái Lan và Lào. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hong Kong chiếm 57,48% tổng lượng thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong tháng 7/2022. Với đà tăng trưởng như trên dự báo, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt sang thị trường này sẽ tiếp tục bứt phá mạnh trong những tháng cuối năm.

Tính đến hết tháng 7 năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 10,49 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt các loại, trị giá 41,85 triệu USD, giảm 4,5% về lượng nhưng tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ở chiều ngược lại, 7 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 350,86 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá hơn 789 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 55,21 nghìn tấn, trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn giảm liên tục từ đầu năm 2022 đến nay là do tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn chậm, trong khi sản lượng lợn tiếp tục phục hồi.

Năm 2022, Bộ Công Thương dự kiến nhu cầu lợn thịt sẽ đạt mức khoảng 51 triệu con với tốc độ tăng trưởng đàn khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Về biến động giá tại thị trường trong nước, theo Bộ Công Thương, cuối tháng 8/2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022. Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi dao động quanh mức 65.000 – 70.000 đồng/kg. Tại miền Trung và khu vực Tây Nguyên giá dao động quanh mức 63.000 – 70.000 đồng/kg. Tại miền Nam giá dao động quanh mức 62.000 – 70.000 đồng/kg.

Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, với các giải pháp không quá phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, đàn vật nuôi vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Bộ Công Thương dự báo giá lợn hơi trong nước tiếp tục dao động quanh mức 65.000 - 70.000 đồng/kg và có chiều hướng tăng khi các bếp ăn tập thể trường học hoạt động trở lại.

Trên thị trường thế giới, trong tháng 8/2022, dự báo của Ủy ban châu Âu (EU) cho thấy, sản lượng thịt lợn của EU năm 2022 dự kiến sẽ giảm 4,7% so với năm 2021, do chi phí đầu vào cao, kết hợp với tác động của quy định chặt chẽ mới về môi trường ở một số nước và xuất khẩu giảm do dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Nhu cầu thịt lợn của EU dự báo cũng sẽ giảm. Năm 2022, tiêu thụ nội địa của EU có thể giảm 3,3% so với năm 2021, xuống mức trung bình 31,7 kg/người. Xuất khẩu thịt lợn của EU dự kiến sẽ giảm 9,6% trong năm 2022, trong khi nhập khẩu thịt lợn tăng 28% so với năm 2021.

Thịt lợn xuất khẩu từ EU sang Trung Quốc dự báo cũng sẽ giảm mạnh 40%, gần với mức trước dịch tả lợn châu Phi, do Trung Quốc tiếp tục khôi phục sản xuất thịt lợn. Xuất khẩu thịt lợn của EU sang các thị trường khác sẽ tăng trong năm 2022 như Nhật Bản, Philippines, Hoa Kỳ và Australia.

Tin liên quan

Đọc tiếp