6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD trong 8 tháng 2022

XUẤT KHẨU Việt nAM
07:49 - 06/09/2022
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu đạt 250,8 tỷ USD hàng hóa, tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 63% kim ngạch.

Trong đó, các sản phẩm điện tử vẫn là các mặt hàng có trị giá cao nhất. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất với 39,6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 29,7 tỷ USD.

Trong nhiều năm qua, 3 mặt hàng trên luôn là một trong các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch của 3 mặt hàng này đạt 105,4 tỷ USD, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là mức kim ngạch cao nhất của 8 tháng đầu năm trong vòng một thập kỷ qua.

Nếu như 8 tháng đầu năm 2013 điện thoại và linh kiện mới chỉ đạt 13,3 tỷ USD thì năm 2022 đã ở mức gần 40 tỷ USD, tương ứng gấp 3 lần kim ngạch của năm 2013. Trong khi đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng từ 6,7 tỷ USD lên 36,1 tỷ USD, gấp hơn 5 lần; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng từ 3,8 tỷ USD lên 29,7 tỷ USD, gấp gần 8 lần.

Theo các chuyên gia, đối với việc phát triển các mặt hàng điện tử thì cần có các kế hoạch phát triển dài hạn, xem xét ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử. Đồng thời hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và chương trình xúc tiến thương mại. Mặt khác, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ của Việt Nam…

Đối với mặt hàng dệt may, 8 tháng đầu năm xuất khẩu dệt may đạt 26 tỷ USD, tăng 23,1% và chiếm 10% tổng trị giá kim ngạch. Kết quả đạt được nhờ các doanh nghiệp đã tận dụng được các hiệp định thương mại tự do tại các thị trường xuất khẩu. Trong đó, các FTA như CPTPP, EVFTA… đã thúc đẩy ngành công nghiệp sợi của Việt Nam phát triển vượt bậc trong vòng 5 năm trở lại đây.

Phát biểu tại hội nghị giao ban tháng với thương vụ nước ngoài, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu hơn 12 tỷ USD hàng dệt may, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Năm nay ngành dự kiến sẽ đạt mục tiêu đề ra với 43 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Cẩm cũng nhận định, trước bối cảnh biến động của thị trường, đặc biệt chính sách kiểm soát nghiêm ngặt dịch Covid của phía Trung Quốc – thị trường cung cấp nguyên liệu chính cho ngành dệt may Việt Nam – đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Hiện 85% năng lực sản xuất của doanh nghiệp nhằm để phục vụ cho xuất khẩu.

Ngoài ra, tác động từ các cuộc lạm phát của các thị trường châu Âu, Mỹ… cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cầu của thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong quý III và IV.

Mặt khác, với khó khăn dài hạn, “xanh hóa” trở thành vấn đề “nhức nhối” của ngành dệt may. Hiện nay, tại các thị trường phân khúc cao như EU đang yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn môi trường của mỗi sản phẩm dệt may. Ngày 17/5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã có đưa ra chiến lược “xanh hóa” mới nhất với “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” trước Nghị viện. Điều này được cho rằng sẽ gây khó khăn trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp khi chuyển đến giai đoạn “xanh hóa”.

Về mặt hàng giày dép, xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Bộ Công Thương, ngành giày dép trong nước đang tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA, nhất là CPTPP và EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Các tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA thế hệ mới được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA.

Trước sự lạc quan này, năm 2022 ngành đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành từ 10 -15% so với năm 2021, đạt khoảng 23 – 25 tỷ USD.

Đối với mặt hàng gỗ, 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 11 tỷ USD mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, cần được đẩy mạnh xuất khẩu. Dù vậy, trước bối cảnh lạm phát tăng cao của các nước châu Âu, Mỹ…, cùng với xung đột Nga – Ukraine khiến giá vận chuyển, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Do vậy, khả năng xuất khẩu ngành hàng trong các tháng cuối năm khả năng còn kém lạc quan.

Trong thời gian tới, để Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng vượt bậc, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics.

Đồng thời, xây dựng đội tàu siêu trường, siêu trọng với hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất nhập, không phụ thuộc vào đội tàu của các doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện tại.

Cơ hội mà các FTAs mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, do một số hạn chế, các doanh nghiệp gỗ chưa tận dụng hết các cơ hội này. Chính vì vậy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường có FTAs với Việt Nam chưa có nhiều bứt phá.

Tin liên quan

Đọc tiếp