Xúc tiến thương mại với Latvia - cửa ngõ nối giữa EU và châu Á

XUẤT KHẨU Latvia
07:35 - 25/05/2022
Xúc tiến thương mại với Latvia - cửa ngõ nối giữa EU và châu Á
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 31/5, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Kinh tế Latvia và Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Latvia.

Latvia là một trong 3 nước thuộc vùng Baltic, có vị trí địa lý chiến lược để trở thành cầu nối cho cho các hoạt động kinh doanh giữa khu vực EU và các thị trường mới nổi nằm ở phía đông của quốc gia này, và đồng thời Latvia cũng trở thành một cửa ngõ giữa Mỹ, EU và châu Á, đặc biệt là Nga.

Latvia có nền kinh tế mở, xuất khẩu đóng vai trò đáng kể vào GDP, chiếm khoảng 44%. Do vị trí địa lý, các dịch vụ vận chuyển rất phát triển, bên cạnh đó là ngành sản xuất gỗ và chế biến gỗ, nông sản và thực phẩm, sản xuất máy móc và công nghiệp điện tử chiếm phần lớn trong hoạt động kinh tế.

So với các nước thành viên EU khác, Latvia hiện là một thị trường khá nhỏ với dân số gần 2 triệu người và thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình trong khối. Latvia theo đuổi thực hiện một nền kinh tế dịch vụ mở định hướng xuất khẩu. Ngành dịch vụ chiếm tới 64,09% GDP, trong khi nông nghiệp là 3,72%, và công nghiệp là 19,21%.

Quốc gia này có tiềm năng kinh tế lớn nhờ cải cách hợp lý, kinh tế liên tục tăng trưởng trong 10 năm gần đây, trừ 2020 do hậu quả của dịch Covid.

Hiện nay, Chính phủ Latvia đang tiếp tục thực hiện các chính sách và giải pháp thúc đẩy ngoại thương, trong đó bước đầu là ưu tiên quan hệ thương mại và đầu tư trong nội bộ khu vực thị trường Baltic, sau đó mở rộng ra thị trường Nga, Ba Lan, rồi đến các quốc gia Bắc Âu, châu Á và các quốc gia vùng Vịnh.

Về mối quan hệ giữa Việt Nam và Latvia, hai nước đã có 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương vẫn còn rất nhỏ. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Latvia đạt trung bình 13%/năm, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 1% thị phần tại thị trường này.

Các mặt hàng chính Việt Nam xuất sang Latvia gồm hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm mây tre đan, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép các loại. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính từ Latvia gồm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, bông, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, máy móc, thiết bị, dược phẩm.

Latvia là thị trường tiềm năng về thủy sản, với nhu cầu nhập khẩu cá và các sản phẩm cá đóng hộp từ 40 quốc gia trên thế giới để cung cấp nguyên liệu cần thiết cho ngành chế biến thủy sản của nước này.

Nhằm tranh thủ sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam vào Latvia, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia đã phối hợp với Cục Đầu tư và Phát triển, Bộ Kinh tế Latvia, Cục Xúc tiến Thương mại và Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Latvia tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Latvia nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chương trình hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin mới nhất về thị trường mỗi nước, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp Việt giới thiệu các sản phẩm cho các đầu mối nhập khẩu của Latvia cũng như để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Bên cạnh đó, Latvia là một nước thành viên của EU. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) chính thức đi vào thực thi từ tháng 8/2020 sẽ là một công cụ tốt giúp phát triển hơn nữa các cơ hội kinh doanh giữa Latvia và Việt Nam bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giảm các rào cản thương mại. Theo đó Hiệp định EVFTA đã giúp giảm hầu hết các loại thuế quan giữa EU và Việt Nam, trong đó có Latvia.

Hiện nay, tuy được giảm hầu hết các loại thuế quan theo quy định của Hiệp định EVFTA, nhưng mặt hàng nhập khẩu vào Latvia vẫn phải chịu thuế VAT từ 5-21%, trong đó ngoại trừ rau quả tươi được áp dụng mức thuế 5%, các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế, một số thực phẩm cho trẻ sơ sinh, tài liệu học, sách báo, tạp chí, củi đốt, nguồn cung năng lượng nhiệt áp dụng mức VAT 12%, còn lại, áp dụng mức thuế VAT chung là 21%. Ngoài ra, các sản phẩm như thuốc lá, các loại đồ uống, các sản phẩm từ dầu mỏ, khí ga tự nhiên đều phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi nhập khẩu vào thị trường này.

Về bao bì, đóng gói, bên cạnh việc tuân thủ quy định bao bì của EU thì để nhập khẩu vào Latvia bao bì bắt buộc có nhãn và hướng dẫn bằng tiếng Latvia và phải chứa tên của sản phẩm, thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và trong một số trường hợp nhãn cần có hướng dẫn sử dụng.

Tin liên quan

Đọc tiếp