Xung đột Israel – Hamas phủ bóng đen lên tháng lễ Ramadan

XUNG ĐỘT Israel - Hamas
17:53 - 11/03/2024
Người Palestine cầu nguyện bên ngoài phố cổ Old City tại Jerusalem ngày 8/3/2024. Ảnh: AP
Người Palestine cầu nguyện bên ngoài phố cổ Old City tại Jerusalem ngày 8/3/2024. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo tại Trung Đông và trên toàn thế giới sẽ bắt đầu từ ngày 11/3 hoặc 12/3 tùy vào tuyên bố của các chính quyền địa phương trong bối cảnh việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza gặp thất bại.

Ramadan là tháng thứ 9 theo lịch âm của người Hồi giáo. Theo truyền thống, thời điểm bắt đầu tháng này phụ thuộc vào việc trăng lưỡi liềm có được nhìn thấy hay không hoặc phụ thuộc vào các phương pháp xác định khác.

Tại Saudi Arabia, nơi có nhiều địa điểm linh thiêng của đạo Hồi, hãng thông tấn quốc gia SPA ngày 10/3 cho biết Tòa án Tối cao đã tuyên bố: “Thứ Hai, ngày 11/3/2024 sẽ là ngày bắt đầu tháng Ramadan may mắn của năm nay”.

Trước đó, thời điểm bắt đầu tháng lễ Ramadan chưa được xác định do một số đài quan sát của vương quốc báo cáo rằng mặt trăng bị che khuất bởi “thời tiết nhiều mây và bụi”. Tuy nhiên, Đài quan sát thiên văn của Đại học Al Majmaah ở Riyadh đã thành công quan sát được trăng lưỡi liềm và tháng lễ do đó được xác định bắt đầu từ 11/3.

Sau khi quan sát được trăng lưỡi liềm, UAE và Qatar cũng tuyên bố bắt đầu tháng Ramadan vào ngày 11/3 thông qua các cơ quan báo chí chính thức. Cơ quan cố vấn Hồi giáo của Ai Cập, Dar al-Ifta cũng xác nhận tháng Ramadan sẽ bắt đầu vào ngày 11/3, giống như ở các khu vực như Gaza, Algeria và Tunisia.

Tuy nhiên, có một số quốc gia sẽ bắt đầu tháng Ramadan vào ngày 12/3 do không nhìn thấy trăng lưỡi liềm. Oman, ở rìa cực đông của Bán đảo Ả Rập, đã tuyên bố tương tự rằng lễ Ramadan sẽ bắt đầu vào ngày này trong khi Jordan, Morocco và Libya cũng đều đưa ra thông báo tương tự.

Iran đã ấn định bắt đầu tháng Ramadan vào ngày 12/3 sau khi văn phòng quan sát mặt trăng “Estehlal” của nước này cho biết họ không thể quan sát “trăng lưỡi liềm của tháng Ramadan”. Ngoài ra, một số quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore cũng sẽ bắt đầu tháng lễ từ 12/3.

Trong tháng Ramadan, những người theo đạo Hồi sẽ nhịn ăn từ lúc mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn và sau đó sẽ tụ họp với bạn bè cùng gia đình để dùng bữa với nhau vào buổi tối. Đây cũng là thời gian cầu nguyện, khi các tín hữu tập trung đông đảo tại các thánh đường, đặc biệt là vào ban đêm. Một số người Hồi giáo trang trí nhà cửa, bày biện bộ đồ ăn và đồ trang trí theo chủ đề lễ Ramadan hoặc đổ tới các khu chợ.

Tuy nhiên, chiến sự chưa chấm dứt giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas và sự thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại dải Gaza đang phủ bóng đen lên việc người dân ăn mừng các lễ hội.

Người dân Palestine cầu nguyện bên cạnh một nhà thờ bị phá hủy do một cuộc tấn công của quân đội Israel ngày 8/3/2024. Ảnh: AP

Người dân Palestine cầu nguyện bên cạnh một nhà thờ bị phá hủy do một cuộc tấn công của quân đội Israel ngày 8/3/2024. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP dẫn lời ông Hassuna Tabib Hassnan, một nha sĩ phải di dời khỏi thành phố Gaza ở phía bắc, ông không biết tháng này sẽ kết thúc như thế nào - “trong nhà của chúng tôi, trong lều, cạnh biển ở phía bắc hay phía nam”. Trong khi đó ông Bassel Yassin, một kỹ sư nông nghiệp tại Rafah, cho biết tháng Ramadan này “khác hoàn toàn so với những tháng Ramadan trước đây”.

Tính tới hiện tại, số liệu từ Bộ Y tế tại lãnh thổ do Hamas cai trị cho biết cuộc tấn công trả đũa của Israel ở Gaza nhằm tiêu diệt Hamas đã khiến ít nhất 31.045 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng trong khi buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa của mình.

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng nạn đói trên lãnh thổ Palestine là “gần như không thể tránh khỏi” trừ khi có điều gì đó thay đổi do dòng viện trợ chảy vào dải đất này ở mức thấp hơn nhiều so với mức trước giao tranh.

Các tổ chức quốc tế cùng nhiều chính phủ khác trên thế giới, trong đó bao gồm cả chính phủ Mỹ, đã liên tục tăng cường áp lực lên Israel trong việc giảm thiểu thương vong lên người dân thường và đẩy mạnh dòng viện trợ nhân đạo.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin MSNBC ngày 10/3, Tổng thống Mỹ khẳng định ông Netanyahu “có quyền bảo vệ Israel và có quyền tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình với lực lượng Hamas”. Tuy nhiên, ông Biden nhận định: “Thủ tướng Israel cần phải chú ý nhiều hơn đến những sinh mạng vô tội đang bị mất đi do hậu quả của những hành động đã thực hiện. Theo quan điểm của tôi, ông ấy đang làm tổn thương Israel nhiều hơn là giúp đỡ Israel”.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đưa ra những tuyên bố về “lằn ranh đỏ” khi cho biết việc Israel tấn công vào Rafah sẽ vượt qua lằn ranh này và nhấn mạnh Israel “không thể để thêm 30.000 người Palestine thiệt mạng”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.