20 năm gia nhập WTO làm thay đổi giới doanh nhân Trung Quốc

KINH TẾ TRUNG QUỐC
09:03 - 18/12/2021
20 năm gia nhập WTO làm thay đổi giới doanh nhân Trung Quốc
0:00 / 0:00
0:00
Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong 20 năm qua của Trung Quốc đã giúp định hình lại nền kinh tế đất nước này và thay đổi chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Kể từ năm 2001 khi Trung Quốc bắt đầu gia nhập WTO, nền kinh tế nước này đã chứng kiến nhiều sự đổi thay ngoạn mục. Đối với ba doanh nhân Li Yixin - một nhà đầu tư độc lập tại Thượng Hải, Liu Kaiming - một chuyên gia chuỗi cung ứng tại Thâm Quyến và Chai Kwong-wah đến từ Hong Kong, chặng đường phát triển kinh tế 20 năm này là một câu chuyện sinh lời.

Ông Chai, một doanh nhân 72 tuổi, cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến Thâm Quyến để thành lập nhà máy sản xuất đồ chơi vào năm 1993, tôi cảm thấy nơi này rất lạc hậu”.

Vào thời điểm đó, ông đã trả cho chính phủ khoảng 15.700 USD để sử dụng hơn 5.000m2 đất trong 30 năm. Ông chia sẻ: “Các quan chức địa phương nhiệt liệt chào đón và khuyến khích tôi ký hợp đồng 50 năm, nhưng tôi chỉ chọn hợp đồng 30 năm. Bây giờ Trung Quốc đã phát triển hơn nhiều so với những gì tôi mong đợi hồi đó”.

Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, việc kinh doanh của ông đã được hưởng nhiều lợi ích. Sản lượng tại nhà máy sản xuất đồ chơi đã gia tăng nhanh chóng. Do giá nguyên liệu thô và lao động rẻ, sản lượng các sản phẩm như mèo Hello Kitty cho Nhật Bản và búp bê cùng thú nhồi bông Disney cho các thị trường Mỹ và Châu Âu của nhà máy có mức tăng trưởng ấn tượng. Vào thời kỳ đỉnh cao, ông cho biết nhà máy từng thuê tới 10.000 công nhân cho các chuyền sản xuất.

Ông Chai là người đã chứng kiến quá trình vùng đất nông nghiệp hẻo lánh của Thâm Quyến được phát triển thành một trung tâm sản xuất của thế giới. Vào năm 2015, do tham vọng phát triển thành phố này thành một trung tâm công nghệ cao của thế giới, chính quyền địa phương đã bồi thường cho ông 3,1 triệu USD để chấm dứt hợp đồng thuê đất. Thế chỗ cho nhà máy cũ của ông sẽ là một dự án tàu điện ngầm.

Sau đó theo yêu cầu của các khách hàng Nhật Bản, ông Chai đã chuyển nhà máy sang Việt Nam vào năm 2016 do chi phí lao động tại Trung Quốc bắt đầu tăng cao. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch, chi phí cho công nhân Trung Quốc vẫn được giữ ở mức rất ổn định. Con số này là trung bình 200 USD cho một người, tuy nhiên với những công nhân làm việc tại Quảng Đông, Trung Quốc, họ có thể kiếm được 785 USD một tháng. Đây là một mức tăng ấn tượng so với mức vỏn vẹn 31 USD vào những năm 1990.

Ông cảm thấy chất lượng của các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều kể từ năm 2001 cùng với sự chuyển mình và phát triển của ngành công nghiệp sản xuất. Ông chia sẻ: “Giới trẻ Trung Quốc ngày này ưa chuộng các sản phẩm điện thoại di động nội địa và các loại xe năng lượng mới có chất lượng không hề thua kém các thương hiệu nước ngoài”.

Chuyển sản xuất búp bê tại nhà máy Wei Lee Fung Plastic Products tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Gethin Chamberlain/China Labor Watch

Chuyển sản xuất búp bê tại nhà máy Wei Lee Fung Plastic Products tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Gethin Chamberlain/China Labor Watch

Ông Li Yixin cho rằng sự cải thiện trong chất lượng hàng hóa này đều bắt nguồn từ năm 2001.

Ông chia sẻ: “Trên thực tế, từ năm 1978 đến năm 2000, hầu hết những người Trung Quốc bình thường không có cơ hội tiếp cận với thế giới”. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, trong nước mới xuất hiện nhiều người quan tâm đến giao thương và trao đổi quốc tế. Kết quả của xu hướng này là các công ty và nhân tài Trung Quốc ngày càng đạt được nhiều hiểu biết hơn về thị trường và các giao dịch thương mại. Ông nhận định: “Đây là điều mà người Trung Quốc đã học được trong khoảng thời gian từ khi gia nhập WTO đến hiện giờ”.

Ông Liu Kaiming, người thành lập một tổ chức phi chính phủ mang tên Viện Quan sát Đương đại 9 tháng trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, cũng đồng ý với quan điểm này. Tổ chức phi chính phủ này được thành lập nhằm mục đích cam kết phát triển quyền lao động và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Với tầm nhìn đó, tổ chức đã hợp tác với các thương hiệu và viện nghiên cứu toàn cầu để giám sát điều kiện làm việc tại hàng trăm nhà máy trên đại lục.

Ông nhận định Trung Quốc chắc chắn là nước hưởng lợi lớn nhất từ WTO. Sau khi gia nhập WTO, quốc gia này đã thiết lập được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất trên thế giới bằng cách sử dụng tiền kiếm được từ hoạt động ngoại thương, vốn là nền tảng và động lực của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong tương lai, ông Liu kỳ vọng xuất khẩu sẽ vẫn tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi các nhà chức trách đã đưa ra các chính sách nhằm tăng tiêu dùng nội địa.

Ông nhận định xuất khẩu cũng sẽ là biến số lớn nhất trong vài năm tới do căng thẳng gia tăng với Đài Loan gần đây. Do đại dịch, sự di dời ồ ạt các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong ngắn hạn có khả năng vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, biến số có thể tồn tại trong kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử mỗi năm trị giá hơn 157 tỷ USD. Nguyên nhân ở đây là do 60% trong số đó có liên quan đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan.

Trong khi đó, ông Chai cho biết ông ủng hộ những thay đổi chính sách gần đây của Bắc Kinh liên quan đến việc mở rộng quy mô của nhóm thu nhập trung bình. Ông cho rằng đây là thời điểm quan trọng để chuyển sang đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và điều này quan trọng hơn việc mở rộng xuất khẩu.

Tuy nhiên với góc nhìn của một người đến từ thị trường khác là Hong Kong, ông Chai cho biết hiện nay các công ty quốc tế đầu tư vào Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn so với ông.

“Hồi đó, tôi dễ dàng kiếm được lợi nhuận vì tôi đến từ một nơi tiên tiến hơn để đầu tư vào một nơi có trình độ phát triển không cao bằng”, ông Chai nói. Nhưng bây giờ, cho dù có là vốn đầu từ đến từ Hong Kong hay từ các nước khác, những lợi thế đã không còn rõ ràng như trong quá khứ nữa. Chi phí các nguồn lực tăng cao cũng đã dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận.

Về phần mình, ông Li tại Thượng Hải cho rằng triển vọng kinh doanh bên ngoài Trung Quốc hiện có mức độ không chắc chắn cao. Điều này càng đúng hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các công ty quốc tế cùng các yếu tố bên ngoài khác.

“Dưới tư cách một nhà đầu tư, đây thực sự là một tình huống khó nắm bắt”, ông Li cho biết.

Đọc tiếp