2023 có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử thế giới

Khí hậu THẾ GIỚI
12:13 - 05/10/2023
Hồ bị khô cạn trong mùa hè ở Ajmer, Ấn Độ năm 2019. Ảnh: AFP/Himanshu Sharma
Hồ bị khô cạn trong mùa hè ở Ajmer, Ấn Độ năm 2019. Ảnh: AFP/Himanshu Sharma
Hôm 5/10, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo năm 2023 có khả năng cao sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử sau khi thế giới ghi nhận những tháng mùa hè nắng nóng kỷ lục và tháng 9 tiếp tục ghi nhận nhiệt độ cao bất thường.

Theo CNBC trích dẫn thông báo từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9/2023 cao hơn 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 đến 1900. Con số này cao hơn 0,5 độ C so với mức trung bình của thế giới và cao hơn 0,05 độ C so với cùng kỳ năm 2016 - năm nóng nhất được ghi nhận cho tới hiện tại.

Riêng trong tháng 9, các nhà khoa học tại C3S ghi nhận sự bất thường về nhiệt độ lớn nhất trong bất kỳ năm nào bắt từ năm 1940 khi nhiệt độ trung bình trong khoảng thời gian này cao hơn tới 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp – một con số được đánh giá là vô cùng đáng kể.

Đối với châu Âu, các nhà khoa học tại C3S cho biết tháng 9/2023 là tháng 9 ấm nhất được ghi nhận với nhiệt độ cao hơn 2,5 độ C so với mức trung bình từ năm 1991 đến năm 2020 và 1,1 độ C so với tháng 9/2020, mức ấm nhất ghi nhận tại khu vực này.

Nhận định về tác động của việc này, bà Samantha Burgess, phó giám đốc Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus, cho biết nhiệt độ chưa từng có ghi nhận được hồi tháng 9 đã phá vỡ kỷ lục với một khoảng cách lớn và có khả năng khiến năm 2023 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử khi cao hơn nhiệt độ trung bình thời tiền công nghiệp khoảng 1,4 độ C.

Hiện tượng El Nino cũng góp phần khiến tình hình trở nên đáng báo động hơn. El Niño là một kiểu khí hậu xuất hiện tự nhiên góp phần làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Cơ quan thời tiết Liên Hợp Quốc tuyên bố El Niño bắt đầu vào ngày 4/7 và cảnh báo sự quay trở lại của nó sẽ mở đường cho việc nhiệt độ gia tăng trên toàn cầu cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Trong bối cảnh trên, bà Burgess nhận định “sự cấp bách đối với các hành động tham vọng vì khí hậu chưa bao giờ quan trọng đến thế”, đặc biệt là khi chỉ còn 2 tháng nữa là hội nghị biến đổi khí hậu COP28 sẽ được tổ chức. Từ 30/11 tới 12/12, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Dubai, UAE để cùng nhau đàm phán về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ.

Những người ủng hộ nhóm hoạt động vì khí hậu Friday For Future (FFF) biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Berlin, Đức ngày 15/9/2023. Ảnh: Monika Skolimowska/dpa

Những người ủng hộ nhóm hoạt động vì khí hậu Friday For Future (FFF) biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Berlin, Đức ngày 15/9/2023. Ảnh: Monika Skolimowska/dpa

Thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C sau hơn một thế kỷ đốt nhiên liệu hóa thạch cũng như việc sử dụng đất và năng lượng không đồng đều và không bền vững. Ngoài ra, một báo cáo công bố hồi tháng 9 của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy thế giới đang không hành động đủ tích cực để có thể đạt được các mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris 2015. Đây là một hiệp định mang tính bước ngoặt nhằm theo đuổi các nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York hồi giữa tháng 9, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Nhân loại đã mở cánh cổng địa ngục”. Theo ông, “nhiệt độ cao đang gây ra những hậu quả khủng khiếp” khi “người nông dân đau khổ nhìn mùa màng bị lũ cuốn trôi”, “dịch bệnh lây lan” và “hàng ngàn người chạy trốn trong sợ hãi khi những trận hỏa hoạn lịch sử hoành hành”.

Đồng tình với thái độ này, Giáo hoàng Francis ngày 4/10 vừa qua cũng có những lời cảnh báo tới tình hình biến đổi khí hậu hiện tại. Trong một bức thư với tiêu đề Laudate Deum, Giáo hoàng khẳng định “các dấu hiệu của biến đổi khí hậu vẫn ở đây và ngày càng rõ ràng”.

Ông cho biết: “Không ai có thể bỏ qua thực tế là trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, những thời kỳ nắng nóng bất thường, hạn hán”. “Những thay đổi khí hậu cụ thể do con người gây ra đang làm tăng đáng kể khả năng xảy ra các hiện tượng cực đoan ngày càng thường xuyên và dữ dội”.

Nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống con người, CNBC trích dẫn Giáo hoàng Francis cho biết: “Các phản ứng của chúng ta chưa đầy đủ, trong khi thế giới nơi chúng ta đang sống đang sụp đổ và có thể tiến gần đến điểm giới hạn”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.