Ba kịch bản cho thị trường lao động toàn cầu sau COVID-19

việc làm việtnam
19:23 - 27/09/2021
Triển vọng nào cho thị trường lao động toàn cầu sau COVID-19? Ảnh vtv.vn
Triển vọng nào cho thị trường lao động toàn cầu sau COVID-19? Ảnh vtv.vn
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường lao động toàn cầu được dự đoán có triển vọng phục hồi với ba kịch bản khác nhau là kịch bản cơ sở, kịch bản lạc quan, kịch bản tiêu cực.

Trong buổi Tọa đàm tham vấn chuyên gia về tình hình kinh tế và xã hội – Quốc hội với chủ đề “Lao động và việc làm trong thời kỳ đại dịch COVID-19”, tại Hà Nội, ngày 27/09/2021, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã nêu ra những triển vọng sắp tới đối với thị trường lao động toàn cầu gồm ba nội dung lớn:

Thứ nhất, kinh tế bắt đầu phục hồi trong năm 2021 nhưng sẽ không đồng đều trên toàn cầu và hầu như không đủ để thu hẹp khoảng trống.

Bởi sự phục hồi này phụ thuộc khá nhiều vào sự sẵn có của vaccine; vào khả năng các doanh nghiệp mở cửa trở lại; tiến độ dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội và các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Thứ hai, kỳ vọng việc làm sẽ được khôi phục trở lại trong năm 2021 và 2022 nhưng không đủ để thu hẹp khoảng trống về việc làm. Con số thất nghiệp ghi nhận từ 187 triệu lao động năm 2019 tăng lên 220 triệu lao động năm 2020, 220 triệu lao động năm 2021 và 205 triệu lao động năm 2022.

Dự báo tăng trưởng năng suất lao động hàng năm trung bình sẽ giảm từ mức vốn đã rất thấp là 0,9% trong giai đoạn 2016 - 2019 xuống mức tăng trưởng -1.1% trong giai đoạn 2019 - 2022.

Thứ ba, để không tổn hại tới thành tựu của mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu xóa nghèo. Đạt được việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm thỏa đáng vào năm 2030

Từ những triển vọng sắp tới có thể diễn ra đối với việc phục hồi thị trường lao động toàn cầu, có ba kịch bản được dự báo như sau:

Tổn thất thời giờ làm việc theo ba kịch bản giai đoạn 2020 - 2022

Tổn thất thời giờ làm việc theo ba kịch bản giai đoạn 2020 - 2022

Kịch bản cơ sở

Phục hồi kinh tế ở các nước thu nhập cao từ quý III/2021, gia tăng số lượng vaccine hiệu quả ở các nước thu nhập cao; dỡ bỏ các quy định đóng cửa nơi làm việc, giảm tác động bất lợi của thị trường lao động, các biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ.

Công cuộc phục hồi kinh tế và việc làm có thể được đẩy nhanh hơn nữa do nhiều nước thu nhập thấp và trung bình đã dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa nơi làm việc ngay cả khi đại dịch vẫn chưa được kiểm soát.

Các biện pháp đóng cửa nơi làm được dỡ bỏ để ngăn chặn tổn thất việc làm nhưng lại ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực về khía cạnh chất lượng việc làm. Không gian tài khóa dành cho các nước đã bị thu hẹp.

Kịch bản lạc quan

Virus sẽ nhanh chóng được kiểm soát do triển khai thành công các loại vaccine dễ dung nạp và hiệu quả, mở rộng sản xuất vaccine đại trà và phân phối công bằng. Tình hình được cải thiện ở các nước thu nhập cao sẽ thúc đẩy cầu xuất khẩu toàn thế giới

Ảnh hưởng bất lợi dài hạn đối với việc làm và hoạt động kinh tế sẽ không còn nghiêm trọng. Trong kịch bản này, sự gián đoạn chỉ mang tính tạm thời. Những ứng phó về chính sách tài khóa và tiền tệ hiệu quả sẽ giúp đảm bảo nhanh chóng trở lại tình trạng trước khủng hoảng.

Kịch bản tiêu cực

Khó có thể kiểm soát được sự lây lan của virus trong tương lai gần: gián đoạn trong phân phối vaccine, các nước đang phát triển không có vaccine, vaccine không hiệu quả fhoặc sự e ngại của một số lượng lớn người dân về việc tiêm vaccine. Khủng hoảng đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định chính trị và gắn kết xã hội. Sự phục hồi thị trường lao động sẽ bị kìm hãm nghiêm trọng trong tình hình này.

Việc học hỏi kinh nghiệm phản ứng với COVID-19 của các nước châu Âu, các quốc gia trên thế giới, các chính sách, các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của các quốc gia trong đại dịch COVID-19 là những bài học cho Việt Nam trong việc chuẩn bị kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, tạo điều kiện đưa cải thiện vấn đề lao động, việc làm theo triển vọng thị trường lao động toàn cầu.

Đề cập đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong làn sóng đại dịch lần thứ tư ở Việt Nam, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đề xuất trước Tọa đàm ngày 27/09 một số giải pháp trọng tâm, trước mắt để hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: Ban hành gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp để gói kích thích ban hành “vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng” để thực thi nhanh vào cuộc sống; Tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển; Khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế; Bảo toàn hoạt động của các khu công nghiệp; Đẩy mạnh chuyển đổi số...

Có thể thấy, đây đều là những giải pháp có khả năng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế - xã hội tạo động lực phục hồi lại thị trường lao động Việt Nam./.

Tin liên quan

Đọc tiếp