Bắc Kạn đưa chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em dân tộc thiểu số về y tế cơ sở

dân tộc Bắc Kạn
17:04 - 18/12/2023
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn tổ chức đo chiều cao, cân nặng cho trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh: Sở Y tế Bắc Kạn
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn tổ chức đo chiều cao, cân nặng cho trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh: Sở Y tế Bắc Kạn
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, sau 3 năm triển khai, việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ nhỏ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội đã thành nề nếp trong nhân dân và thực hiện thường xuyên tại trạm y tế xã.

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, chủ yếu sống phân tán ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của bà con khó khăn, thiếu thốn. Việc thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia chính là cách để Bắc Kạn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em đã xây dựng được tính bền vững

Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết, sau 3 năm triển khai, đến nay việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, thuộc dự án 7, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội đã xây dựng được tính bền vững, dù một số kinh phí, hoạt động đã bắt đầu rút đi.

Ông Tuyến cho biết, việc quản lý thai nghén, chăm sóc bà mẹ trong thời gian mang thai, các hoạt động tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt đã thành nề nếp, thói quen bền vững trong nhân dân và đã được thực hiện quen thuộc tại các trạm y tế xã.

Trong giai đoạn này, các hoạt động gắn với chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc dự án 7, tiểu dự án dự án 3 đang được tổ chức mạnh mẽ. Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhân lực cán bộ thực hiện các hoạt động chăm sóc trẻ em, bà mẹ, trẻ sơ sinh 1.000 ngày sau đẻ đang được thực hiện tốt.

Theo thống kê của Sở Y tế Bắc Kạn, tính đến hết 11 tháng năm 2023, tỷ suất tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi/1.000 trẻ sinh ra đã giảm xuống vào khoảng 3,1‰ (thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra là nhỏ hơn 12 và 14‰).

Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ đã đạt 99,2% (cao hơn mức mục tiêu là 99%). Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế đạt 90%, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt 99%.

Đối với công tác chăm sóc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, đến nay, Bắc Kạn đã thực hiện thường xuyên công tác theo dõi sức khỏe, cân nặng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bản tỉnh.

Theo đó, tỷ lệ trẻ sơ sinh được theo dõi cân nặng đạt 100%; 99,8% trẻ dưới 5 tuổi được cân đo 1 lần/năm; 99,7% trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng và được chấm biểu đồ tăng trưởng 3 tháng/lần; 100% trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng được cân hàng tháng; 99,9% trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao. Đây là những chỉ tiêu đã đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, về chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Kạn, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân là 16% (trong khi mục tiêu đặt ra là dưới 15,9%), tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi là 26,1% (trong khi mục tiêu là dưới 26%). Cơ quan này dự báo ước đến cuối năm 2023, tỉnh có thể đạt được những chỉ tiêu kể trên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn phỏng vấn bà mẹ về thực hành dinh dưỡng và chăm sóc trẻ. Ảnh: Sở Y tế Bắc Kạn

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn phỏng vấn bà mẹ về thực hành dinh dưỡng và chăm sóc trẻ. Ảnh: Sở Y tế Bắc Kạn

Tỷ lệ giải ngân trên địa bàn vẫn còn chậm

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng giải ngân kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Sở Y tế Bắc Kạn cũng còn chậm. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng kinh phí được UBND tỉnh cấp (bao gồm kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 và kế hoạch vốn năm 2023) là hơn 10,6 tỷ đồng, mới giải ngân được trên 1,1 tỷ đồng.

Tiểu dự án 2 - Cải thiện dinh dưỡng thuộc Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí thực hiện tuyến huyện (UBND các huyện, thành phố giao) là hơn 4,8 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2023, giải ngân trên 1,3 tỷ đồng, đạt 27,7% tổng kinh phí được giao...

Theo ông Tuyến, việc chậm giải ngân một phần do hiện nay cơ chế giải ngân nguồn vốn khắt khe hơn trước. Trước đây cơ chế này được thực hiện đại trà nhưng bây giờ thì cần lựa chọn đúng đối tượng, đúng vùng và phải lồng ghép để đảm bảo hiệu quả kinh phí đầu tư, tức không chồng lấn nhưng cũng không bỏ sót.

Ông Tuyến giải thích thêm, hiện nay, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cần phải hỗ trợ đúng đối tượng chính sách và phối hợp liên ngành. Điều này tuy khắt khe hơn nhưng giúp huy động đúng nguồn lực, đem lại hiệu quả cao hơn, tiết kiệm hơn.

Về bản chất, theo ông Tuyến, những nội dung tuyên truyền không quá phức tạp và quá nhiều thay đổi. Nếu năm nào cũng cần thực hiện nhiều lần thì vừa mất thời gian của đối tượng đích (những người được hưởng chính sách), của người thực hiện (cán bộ tuyên truyền) và mất công sức nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Do đó, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện phân cấp, phân quyền, sau khi xác định đúng đối tượng sẽ giao xuống y tế cơ sở quản lý, nếu có khó khăn thì báo cáo cấp trên. Cách làm này thậm chí giúp cán bộ có thể theo dõi sát và hỗ trợ được các đối tượng tốt hơn.

Ông Tuyến cũng cho biết, để khắc phục tình trạng chậm giải ngân, Sở Y tế Bắc Kạn sẽ rà soát điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch Sở Y tế giao và tình hình thực tế tại các đơn vị. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân các hoạt động của dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán, đảm bảo tiến độ giải ngân...

Tin liên quan

Đọc tiếp