Đăk Nông thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực y tế

dân tộc Đăk Nông
13:53 - 14/12/2023
Trạm y tế tổ chức cân đo cho trẻ vào tháng 6 và 12 hàng năm. Ảnh: Sở Y tế Đăk Nông
Trạm y tế tổ chức cân đo cho trẻ vào tháng 6 và 12 hàng năm. Ảnh: Sở Y tế Đăk Nông
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã có những đóng góp quan trọng, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, đặc biệt là về các hoạt động y tế cộng đồng.

Nỗ lực nâng cao hiệu quả y tế dự phòng

Sau 3 năm triển khai thực hiện, mạng lưới y tế cơ sở tại Đăk Nông tiếp tục được củng cố, đổi mới đóng vai trò quan trọng trong hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Số xã có trạm y tế đủ điều kiện, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 60/60 xã. Đây là 60 xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo và Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tại Đăk Nông, tính đến tháng 7/2023, trên toàn tỉnh có 563.269 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 11,14% so với lực lượng lao động và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 82,52% dân số.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ngày càng giảm. Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã về nông thôn mới, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 46/60 xã đạt tiêu chí số 15 về y tế, đạt 76,67%.

Theo Sở Y tế Đăk Nông, thời gian qua, tỉnh đã triển khai công tác phòng, chống yếu tố nguy cơ của các bệnh không truyền nhiễm trên địa bàn như phòng, chống tác hại thuốc lá; phòng, chống tác hại rượu, bia; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm muối trong chế độ ăn, phòng, chống thừa cân béo phì. Các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe được tăng cường đẩy mạnh nhưng chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở truyền thông gián tiếp.

Đối với hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2023, với sự tài trợ của Quỹ Thiện Tâm, trên toàn tỉnh đã triển khai sàng lọc phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho 176.554 người dân từ 40 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 74%.

Tỉnh cũng đã khám sàng lọc tầm soát ung thư cổ tử cung cho 784 phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 54 tuổi; khám sàng lọc phát hiện bệnh tâm thần cho 2.261 người dân; phân bổ 128.880 phiếu sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho Trung tâm y tế 8/8 huyện, thành phố…

Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội và được quan tâm triển khai trên địa bàn tỉnh là công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Theo thống kê của Sở Y tế Đăk Nông, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hướng đến giảm tỉ lệ tử vong đối với bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông tổ chức truyền thông tại cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ảnh: Sở Y tế Đăk Nông
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông tổ chức truyền thông tại cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ảnh: Sở Y tế Đăk Nông

Trong 2 năm 2022, 2023 từ nguồn kinh phí do địa phương phân bổ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh đã triển khai các gói hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời.

Trung tâm cũng tổ chức tập huấn chăm sóc bà mẹ trước, trong, sau sinh cho cán bộ y tế các tuyến; chú trọng xây dựng các các tài liệu hướng dẫn liên quan như tài liệu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trước, trong và sau sinh; tài liệu đào tạo cập nhật cho cô đỡ thôn bon về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em…

Trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng dễ tổn thương như phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 2 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, các hộ gia đình ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Năm 2023, trung tâm hướng đến mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tập trung giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ dưới 1 tuổi, tử vong trẻ dưới 5 tuổi thông qua các hoạt động can thiệp dự phòng có hiệu quả. Trong đó, ưu tiên triển khai tại các xã đặc biệt khó khăn nhằm giảm sự khác biệt giữa các địa phương trong tỉnh.

Do đó, trung tâm đã đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào hoạt động truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình thông qua mạng lưới nhân viên y tế thôn, bon và đội ngũ cô đỡ.

Đồng thời, trung tâm cũng hướng dẫn các đơn vị tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ…

Ngoài ra, Đăk Nông cũng có đội ngũ mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng tại cộng đồng làm nhiệm vụ theo dõi tăng trưởng, phát triển và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi. Những bà mẹ có con dưới 2 tuổi sẽ được cấp và hướng dẫn sử dụng biểu đồ để theo dõi tăng trưởng của trẻ.

Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng các thể (thể thấp còi, nhẹ cân, gầy còm) được theo dõi tình trạng dinh dưỡng (cân nặng, chiều cao và chu vi vòng cánh tay) hàng tháng. Trẻ em dưới 2 tuổi không suy dinh dưỡng được theo dõi tình trạng dinh dưỡng hàng quý (3 tháng/lần).

Trẻ em từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi không bị suy dinh dưỡng sẽ được theo dõi tình trạng dinh dưỡng 6 tháng/lần. Đồng thời, trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung vitamin A liều cao và được tẩy giun định kỳ 2 lần/năm (vào tháng 6 và tháng 12).

Vẫn còn những khó khăn khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Bên cạnh một số kết quả đã đạt được về lĩnh vực y tế nói riêng và các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nói chung, hiện nay, nhiều địa phương ở Đắk Nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Một số tiêu chí khó đạt được như tỷ lệ trẻ em thấp còi về chiều cao phải đạt dưới 26,5% đối với các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo và đạt dưới 24% đối với các xã còn lại.

Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cán bộ chuyên khoa tại tuyến huyện, đặc biệt là cán bộ làm công tác sản, nhi; tình trạng luân chuyển cán bộ, viên chức nghỉ việc gây khó khăn trong việc bố trí sắp xếp nhân lực; nguồn kinh phí trung ương cắt giảm qua từng năm, trong khi đó nguồn kinh phí địa phương phân bổ hạn hẹp gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp