Ban Kinh tế Trung ương xác định 3 đề án lớn cho năm 2022

BKTTW Việt nAM
23:44 - 13/01/2022
Ông Trần Tuấn Anh quán triệt sâu sắc các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ công tác của Ban.
Ông Trần Tuấn Anh quán triệt sâu sắc các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ công tác của Ban.
0:00 / 0:00
0:00
Xác định 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tập trung thực hiện 3 đề án lớn để trình các Hội nghị Trung ương 5 và 6.

Hoàn thành nhiều đề án lớn trong năm 2021

Chiều 13/01, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Báo cáo Tổng kết cho thấy, năm 2021 Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành nhiều đề án lớn trình Bộ Chính trị. Đầu tiên là Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Bộ Chính trị đánh giá cao đã có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Thứ hai là Đề án "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020". Sau một thời gian quyết liệt triển khai, đến nay Bộ Chính trị đã thông qua và nhất trí ban hành Nghị quyết mới vào đầu năm 2022.

Đề án thứ ba là “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Sau hơn 4 tháng triển khai quyết liệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy Khánh Hòa, các ban, bộ, ngành tiến hành tổng kết Kết luận số 53-KL/TW, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đặc biệt, với yêu cầu bức thiết của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương về việc sửa đổi Luật đất đai năm 2013, Ban Kinh tế Trung ương được giao là cơ quan thường trực xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (Nghị quyết 19-NQ/TW).

Trên cơ sở đó tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chính sách, pháp luật đất đai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cũng trong thời gian này, Ban Kinh tế Trung ương được giao tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị".

Trong năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tổ chức nghiên cứu các nội dung, đề án, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội phục vụ công tác tham mưu, đề xuất. Có 191 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, dự án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có 69 lượt thẩm định, tham gia ý kiến về các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 122 lượt tham gia ý kiến với các ban, bộ, ngành, địa phương về các đề án, dự án, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật.

3 đề án quan trọng của năm 2022

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, năm 2021, Ban có một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Đồng thời, ông Trần Tuấn Anh cũng nêu rõ, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở xác định ý nghĩa quan trọng của năm 2022, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương 3 đề án quan trọng:

1. Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 5- tháng 5/2022).

2. Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5/2022).

3. Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (trình Hội nghị Trung ương 6 - tháng 10/2022).

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị Ban cần phải tiếp tục nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; Tăng cường công tác tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực nói chung và nước ta nói riêng được dự báo sẽ còn có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Kinh tế Trung ương tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ công tác của Ban.

“Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội, trọng tâm là các nghị quyết, kết luận do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.