WB dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu 2022

KINH TẾ THẾ GIỚI
11:53 - 12/01/2022
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 11/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, EU và Trung Quốc cho năm 2022, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng mức nợ cao, bất bình đẳng thu nhập và Covid-19 đang đe dọa sự phục hồi ở các nền kinh tế đang phát triển.

Trong dự báo nửa năm mới nhất, WB đã chỉ ra sự phục hồi trong hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trong năm 2021 sau sự sụt giảm của năm 2020. Tuy nhiên, nguy cơ tới từ lạm phát kéo dài, các vấn đề tiếp diễn liên quan tới chuỗi cung ứng và lực lượng lao động cùng các biến thể Covid-19 mới có khả năng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới.

Theo WB, tăng trưởng toàn cầu sẽ sụt giảm rõ rệt xuống mức 4,1% vào năm 2022 từ mức 5,5% cho năm 2021. Hơn nữa, tỷ lệ này còn có khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu xuống 3,2% vào năm 2023 khi nhu cầu bị dồn nén dần biến mất. Việc các chính phủ rút bớt hỗ trợ tài chính và tiền tệ được đưa ra từ lúc bắt đầu đại dịch cũng sẽ gây ra các tác động tiêu cực.

So với báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 6/2021, dự báo cho năm 2021 và 2022 thấp hơn 0,2 điểm phần trăm và có thể sẽ bị hạ thấp hơn nữa nếu biến thể Omicron vẫn tồn tại. Ngoài dự đoán của WB, dự báo tăng trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bản cập nhật ngày 25/1 có khả năng cao cũng sẽ được cắt giảm.

Ayhan Kose, tác giả của báo cáo này, nhận định sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã góp phần vào sự gián đoạn liên tục do đại dịch gây ra. Hơn nữa, nếu sự gia tăng đột biến trong các ca nhiễm khiến hệ thống y tế quá tải, 0,7 điểm phần trăm nữa có thể bị trừ đi trong dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Theo ông Kose, sự chậm lại đang diễn ra một cách rất rõ rệt và vô số rủi ro vẫn đang chờ đợi ở phía trước.

Việc tăng lãi suất có khả năng sẽ gây ra thêm rủi ro và có thể làm suy yếu thêm các dự báo tăng trưởng. Điều này lại càng có khả năng xảy ra hơn khi Mỹ và các nền kinh tế lớn khác bắt đầu tăng lãi suất vào mùa xuân này, sớm hơn nhiều tháng so với dự kiến.

Ông Kose cho biết đại dịch cũng đã đẩy tổng số nợ trên toàn cầu lên mức cao nhất trong nửa thế kỷ qua. Do đó, các quốc gia cần nỗ lực phối hợp để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn và thu hút sự tham gia của các chủ nợ từ khu vực tư nhân.

Dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển

Tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ giảm xuống 4,6% vào năm 2022 từ mức 6,3% của năm 2021. Vào năm 2023, mức này sẽ giảm xuống 4,4%, tiếp tục thấp hơn 4% so với mức ghi nhận được trước đại dịch

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết: "Các nước đang phát triển đang phải đối mặt với các vấn đề dài hạn liên quan đến tỷ lệ tiêm vaccine thấp, các chính sách vĩ mô toàn cầu và gánh nặng nợ". Ngoài ra, sự đảo ngược trong tỷ lệ đói nghèo, dữ liệu dinh dưỡng và sức khỏe cũng như các ảnh hưởng lâu dài của việc đóng cửa trường học tiếp tục trở thành các mối quan ngại lớn.

Khi miêu tả tỷ lệ tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, ông Malpass đã sử dụng cụm từ “hẻm núi ngày càng lớn” để hình dung. Theo các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới, sự chênh lệch này có thể làm gia tăng căng thẳng và bất ổn xã hội.

Ông Kose cũng cho biết khả năng tầm nhìn tăng trưởng kinh tế đối với các nước đang phát triển là không tích cực, do các quốc gia này không có nhiều lựa chọn hỗ trợ tài chính cần thiết, áp lực lạm phát dai dẳng và lỗ hổng tài chính gia tăng.

Tại các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao kỷ lục từ năm 2011 đến giờ. Người lao động có thu nhập thấp sẽ là thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ xu hướng này.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass. Ảnh: World Bank

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass. Ảnh: World Bank

Dự báo cho các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế dễ tổn thương

Với các nền kinh tế phát triển tại khu vực đồng Euro, dự báo tăng trưởng tại đây giảm xuống 3,8% vào năm 2022 từ mức 5% của năm 2021 và giảm tiếp xuống 2,3% vào năm 2023. Tỷ lệ lạm phát tại các nước phát triển vẫn đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008; tuy nhiên, sản lượng và các hoạt động đầu tư sẽ vẫn quay trở lại xu hướng trước đại dịch vào năm 2023.

WB cũng đã cắt giảm tăng trưởng GDP năm 2021 của Mỹ 1,2 điểm phần trăm xuống còn 5,6%. Mức tăng trưởng cũng bị giảm mạnh xuống 3,7% vào năm 2022 và tiếp tục giảm xuống 2,6% vào năm 2023. Tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt 1,7% vào năm 2021, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 6. Hơn nữa trong năm 2022, tỷ lệ này sẽ tăng lên 2,9%.

Về phần Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, GDP của nước này dự kiến sẽ tăng 8% vào năm 2021 và ít hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong năm 2022, mức tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5,1% và tăng nhẹ lên 5,2% vào năm 2023.

Đối với các nền kinh tế dễ tổn thương và đang bị ảnh hưởng bởi xung đột, tỷ lệ tăng trưởng tiếp tục thấp hơn 7,5% so với xu hướng trước đại dịch. Đối với các quốc đảo nơi nền kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch, tỷ lệ này sẽ thấp hơn 8,5%.

Dữ liệu tổng hợp bởi Reuters cho thấy Covid-19 đã gây ra tổng cộng hơn 300 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới và hơn 5,8 triệu ca tử vong. Theo trang Our World in Data, trong khi 59% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19, chỉ có 8,9% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều.

Đọc tiếp