Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc thiểu số rất ít người

CHÍNH SÁCH dân tộc
17:03 - 24/10/2023
Lễ cấp sắc của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Tuyên Quang
Lễ cấp sắc của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Tuyên Quang
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam có 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Bạn đọc H’Ê-Wa Êban ở Đắk Lắk hỏi: Xin hỏi hiện nay có chương trình gì nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số rất ít người hay không.

Trả lời:

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Tiểu dự án 1 (Dự án 9) hướng tới mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Theo đó, nội dung “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin - truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào” là một trong những nội dung trọng tâm của dự án.

Tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; trong đó, quy định rõ về mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số như sau:

1. Tổ chức lớp học tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu, lớp học truyền dạy văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc tại thôn, bản.

2. Khôi phục và bảo tồn nhạc cụ, trang phục, nghề truyền thống tiêu biểu: tối đa 300 triệu đồng/nghề/dân tộc/cả giai đoạn 2021-2025.

3. Phục dựng bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu; sưu tầm các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù: tối đa 300 triệu đồng/lễ hội/dân tộc/cả giai đoạn 2021-2025.

4. Cấp trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc: tối đa 30 triệu đồng/thôn/năm.

5. Thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ thôn, bản: tối đa 20 triệu đồng/đội/thôn, bản/giai đoạn 2021-2025.

6. Thông tin – truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

7. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm giao lưu văn hóa, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, thuê chuyên gia đối thoại, nói chuyện chuyên đề hoạt động mang tính chất nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động chuyên môn; kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết hội nghị.

8. Tuyên truyền phục vụ bảo tồn lễ hội truyền thống.

9. Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, trình diễn trang phục của đồng bào các dân tộc.

Lần đầu tiên tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người

Nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ coi trọng ý thức dân tộc, có ý thức trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp với các tỉnh có các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I.

Ngày hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 03 - 05/11/2023, tại thành phố Lai Châu với sự tham gia của 14 dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Cùng dự ngày hội có nhân dân 3 tỉnh của Lào (Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Băng) và Châu Hồng Hà ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đây cũng là dịp để lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Ngày hội đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.

Việt Nam có 16 dân tộc thiểu số rất ít người (số dân dưới 10.000 người) như: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.

Hiện nay, các dân tộc này đang sinh sống rải rác tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tập trung nhiều ở 93 xã của 12 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.