Biến đổi khí hậu: Bài toán các doanh nghiệp phải giải hàng năm

COP26 Việt nAM
06:30 - 30/03/2022

Theo dự báo của HSBC, Việt Nam mất đi 3% GDP/năm do biến đổi khí hậu, tương đương với 8,5 tỷ USD/năm.

Biến đổi khí hậu tác động đa diện tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong khi đó Việt Nam lại nằm trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng từ những thay đổi khí hậu thường xuyên.

Thực tế cho thấy, những tác hại từ môi trường, khí hậu, phát thải nhà kính diễn ra nhanh hơn so với dự kiến và tác động tiêu cực, nặng nề tới nhiều ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp (DN).

Tại Hội thảo "Doanh nghiệp & các giải pháp khí hậu" diễn ra vào ngày 29/3, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM cho biết, thiệt hại về kinh tế mỗi năm tại Việt Nam lên tới 1,5% GDP, và thậm chí con số này có thể sẽ tăng cao hơn do những tác động xấu từ biến đổi khí hậu gây ra.

Theo dự báo của Ngân hàng HSBC, nếu không có các biện pháp để kịp thời giảm thiểu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, bình quân GDP tại Việt Nam sẽ có thể thiệt hại lên tới 3%/năm.

Biến đổi khí hậu tác động mạnh tới doanh nghiệp

Tính riêng trong năm 2021, Việt Nam đạt 290 tỷ USD giá trị thị trường hàng hóa và dịch vụ được sản xuất, "Nếu như mất đi 1,5% GDP thì nền kinh tế sẽ tổn thất mỗi 1 năm khoảng trên 4 tỷ USD. Theo như HSBC dự đoán, khi mất đi 3% GDP/năm, thiệt hại của nền kinh tế nước ta sẽ lên tới 8,5 tỷ USD/năm. Đây là một con số rất lớn mà Việt Nam có thể tận dụng trong các lĩnh vực khác," ông Nam nhận định.

Theo khảo sát của VCCI, biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất, kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Đặc biệt các DN ở vùng duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn so với các vùng còn lại. Báo cáo cũng chỉ ra thực trạng về nhận thức tính cần thiết của việc ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua nhiều giải pháp đa dạng từ đơn giản đến phức tạp của các DN.

Tính riêng trong năm 2017, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, bão lũ, lụt với quy mô lớn cùng các chu trình lặp đi lặp lại đã gây thiệt hơn lên tới 60,270 tỷ đồng. Khảo sát về tác động cộng gộp của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên các hoạt động cụ thể của DN chỉ ra rằng, những DN mới đi vào hoạt động là nhóm chịu tác động nhiều hơn.

Theo đó, những DN hoạt động dưới 3 năm là nhóm bị tác động nhiều nhất, kế đến là các DN đã hoạt động từ 3 - 5 năm. Khi số năm hoạt động tăng thì mức độ tác động có giảm đi, song kết quả điều tra nêu rõ, kể cả với nhóm có số năm hoạt động từ 20 năm trở lên, mức độ tác động vẫn là tương đối lớn.

Mô hình sinh thái hệ công nghiệp giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, trên thực tế, hiện nay, DN chỉ tập trung vào sản xuất, tối đa hoá các lợi nhuận mà ít quan tâm đến các mục tiêu về bảo vệ môi trường, sản xuất theo mô hình sản xuất hở (hoạt động sản xuất riêng lẻ).

Ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tạo ra một mô hình phát triển cộng sinh nhằm giảm thiểu các hệ luỵ về các chất thải, phế thải không được thu hồi triệt để, thải ra môi trường vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường sống.

Ảnh tác giả

"Các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất, luyện kim, hoá dầu, thực phẩm, chăn nuôi thường có mối quan hệ cộng sinh tốt với nhau, còn đối với các ngành công nghiệp tái chế như: sắt, đồng, nhựa, giấy, thuỷ tinh cũng có thể thu mua để tạo dựng công nghệ cho một ngành khác. Đó chính là mối quan hệ cộng sinh mà tôi muốn nói tới."

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Bên cạnh đó, không chỉ với các doanh nghiệp, mà đối với mỗi cá nhân cũng cần có những thay đổi để giảm thiểu các phế liệu được tạo ra gây ảnh hưởng đến môi trường. Trước hết, cần thay đổi hành vi của mỗi con người trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm như: Tắt thiết bị điện khi không sử dụng, rút nguồn điện khi ở chế độ chờ để đảm bảo năng lượng không bị tiêu hao.

"Ngoài ra, một loại năng lượng khác hiện đang được các doanh nghiệp sử dụng chính là năng lượng áp mái. Đây là hệ thống tận dụng các khoảng không của sân thượng, mái nhà và các khu đất cao nhiều ánh nắng mặt trời, để làm nơi lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời," ông Nam chia sẻ.

"Hiện nay các nước lớn như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ đều quan tâm các sản phẩm liên quan đến phát triển bền vững trong môi trường lao động. Đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến điện áp mái", ông Nam cho biết.

Hệ thống năng lượng mặt trời áp mái sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu phí tiêu thụ điện năng, đồng thời giảm nhiệt độ cho nhà, xưởng, công trường nói chung. Góp phần nâng cao uy tín và bảo vệ môi trường, hơn hết, năng lượng mặt trời áp mái cũng góp phần cung cấp thêm năng lượng cho lưới điện quốc gia khi nhà máy, doanh nghiệp không sử dụng hết.

Tuy nhiên, việc tham gia của các doanh nghiệp vào công cuộc này còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ việc những thông tin cụ thể về nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam liên quan tới biến đổi khí hậu, mức độ tác động của biến đổi khí hậu tới doanh nghiệp, hành động của doanh nghiệp ra sao còn nhiều hạn chế.

Theo VCCI, những thiệt hại do môi trường, phát thải nhà kính, thiên tai bão lũ càng nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của những hành động bảo vệ môi trường. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang tuân thủ nghiêm túc Công ước khung của Liên Hợp Quốc, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 hiệp định thương mại thế hệ mới gồm “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu” (EVFTA) và “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương" (CPTPP), theo đó, Việt Nam phải cam kết thực thi các vấn đề về bảo vệ môi trường cũng như cam kết chung trong khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, trong Cung ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết chung về việc Việt Nam sẽ thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Để thực hiện cam kết đó, Việt Nam đã đưa ra những quy định, chính sách về bảo vệ môi trường thông qua Luật bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.