Cải cách nâng tuổi nghỉ hưu gây tranh cãi tại Pháp trở thành luật

nghỉ hưu Pháp
12:59 - 16/04/2023
Người biểu tình phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP
Người biểu tình phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/4, kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức được ban hành thành luật trong bối cảnh biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt và tỷ lệ tín nhiệm ông Macron giảm sút.

Ngày 14/4, Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã thông qua các điểm cốt lõi của các cải cách lương hưu, bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu cho hầu hết người lao động từ 62 lên 64 tuổi trong khi loại bỏ 6 điều khoản bổ sung. Ngoài ra, cơ quan này cũng không thông qua nỗ lực tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý của công dân về những thay đổi.

Điều này có nghĩa là luật tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 được phán quyết là phù hợp với hiến chương thành lập của Cộng hòa Pháp. Tới 15/4, kế hoạch gây tranh cãi này chính thức được ban hành thành luật và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9 tới nhờ chữ ký của Tổng thống và việc công bố nó trên Công báo Cộng hòa Pháp.

Tuy thành công với kế hoạch này, Tổng thống Macron phải nhận lại tỷ lệ tín nhiệm giảm sút đáng kể đi kèm với sự không hài lòng của hầu hết người dân Pháp. Thách thức của ông Macron hiện sẽ nằm ở việc xoa dịu sự tức giận đang lan rộng không chỉ đối với luật tăng tuổi nghỉ hưu mà còn với cách ông thông qua kế hoạch này mà không bỏ phiếu tại Quốc hội.

Tại ngày kỷ niệm vụ hỏa hoạn gần như đã phá hủy Nhà thờ Đức Bà, ông Macron vẫn kiên quyết với thái độ của mình từ đầu trong khi khẳng định “không bao giờ bỏ cuộc là phương châm sống của tôi”.

Trước đó trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3 với các kênh truyền hình TF1 và France2, ông Macron cho biết các cuộc biểu tình về chế độ nghỉ hưu cho thấy người Pháp đang kêu gọi công bằng xã hội nhiều hơn.

Do đó theo hãng tin Reuters trích dẫn một nguồn tin quen thuộc, Tổng thống Pháp sẽ bắt đầu quá trình giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp cải thiện cuộc sống của người dân. Những biện pháp này bao gồm cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục và thúc đẩy “luật việc làm đầy đủ” được thiết kế để đẩy nhanh tốc độ giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 5%.

Ngoài ra, ông cũng thể hiện “thiện chí” bằng cách mời đại diện các công đoàn tới Cung điện Elysee để nói chuyện ngày đầu tuần. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo công đoàn đã từ chối và tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh.

Mặt khác, tình hình của Tổng thống Macron tại Quốc hội cũng không tích cực khi các cuộc tranh luận ngày càng trở nên gay gắt. 4 trong số các nhà lập pháp của chính ông Macron trong tuần này tuyên bố sẽ không còn ngồi trong hàng ngũ của đảng. Điều này càng làm suy yếu vị thế của ông trong Quốc hội.

Trong khi đó, sự hỗ trợ của Đảng bảo thủ Les Republicains (LR) mà chính phủ kỳ vọng cũng đang xảy ra sự chia rẽ sâu sắc do cải cách tuổi nghỉ hưu.

Trên tài khoản Twitter của mình, nhà lập pháp Aurelien Pradie của Đảng LR, một người chống lại kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu, tuyên bố nước Pháp đang chịu những “vết thương hở” và một người phải “vô trách nhiệm hoặc mù quáng” mới không thấy rõ được thực tại.

Đọc tiếp