Căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá cá hồi châu Á tăng vọt

Hải Sản CHÂU Á
07:43 - 16/03/2022
Cua hoàng đế tại chợ hải sản Noryangjin lớn nhất Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Living + Nomads
Cua hoàng đế tại chợ hải sản Noryangjin lớn nhất Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Living + Nomads
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến nguồn cung hải sản tại châu Á gặp ảnh hưởng tiêu cực khi các sản phẩm phổ biến như cá hồi, cua, cá tuyết đều ghi nhận mức giá tăng vọt và gây khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Cá hồi là một trong những loại cá được tiêu thụ nhiều nhất tại các thị trường hải sản lớn tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc, nước này nhập khẩu khoảng 40.000 tấn cá hồi Đại Tây Dương mỗi năm. Các món ăn như sushi và gỏi cá hồi là những món phổ biến khắp đất nước và đem lại nguồn doanh thu lớn.

Tuy nhiên do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, giá cá hồi đang gia tăng nhanh chóng. Việc Nga cấm các nước phương Tây bay qua không phận của mình đang khiến sản phẩm cá hồi nuôi ở Na Uy phải bay đường vòng để tới châu Á, từ đó làm tăng chi phí vận chuyển và cuối cùng là giá bán lẻ tại các thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng này.

Tại một số siêu thị ở Hàn Quốc, giá thăn cá hồi đã tăng 15,5% từ mức 3,11 USD / 100g lên mức 3,59 USD / 100g. Trong khi đó, giá cá hồi tươi nuôi tại Na Uy tăng 26,4% từ mức 3,03 USD / 100g lên mức 3,84 USD / 100g.

Theo một nhà nhập khẩu cá hồi Na Uy tại Hàn Quốc, giá cá hồi đã tăng vọt từ mức chỉ 12 USD tới 13 USD cho 1kg lên tới mức 19 USD tới 20 USD. Chi phí vận chuyển hàng không cho các đợt hàng cũng tăng ít nhất 3 lần kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Các nhà hàng phục vụ cá hồi tại quốc gia này cũng đang gặp nhiều khó khăn khi một số chủ sở hữu nhà hàng bị buộc phải đưa ra các quyết định khó khăn. Một số nhà hàng buộc phải nâng giá dịch vụ trong khi một số khác phải loại bỏ các món trong thực đơn của mình.

Ở một diễn biến khác, giá của cua hoàng đế - một sản phẩm hải sản cao cấp khác được ưa chuộng tại Hàn Quốc, cũng tăng vọt. Nguyên nhân là do hơn 90% số lượng cua hoàng đế tại Hàn Quốc được nhập khẩu từ Nga.

Theo báo cáo của Chợ hải sản Noryangjin, chợ hải sản lớn nhất của Seoul, giá cua hoàng đế Nga đã tăng trung bình 16% từ mức 47,98 USD vào tháng 2 lên mức 55,68 USD hôm 7/3. Tuy nhiên, các siêu thị dường như không dành sự quan tâm lớn lắm tới cá hồi vì cua hoàng đế và cua tuyết không nằm trong danh sách bị kiểm soát xuất khẩu. Thêm vào đó, cá hồi là một sản phẩm có mức giá thân thiện hơn và độ phổ biến cao hơn nhiều.

Tình hình căng thẳng cũng khiến các nhà bán lẻ gấp rút tìm kiếm các lựa chọn thay thế dù các siêu thị vẫn trấn an người tiêu dùng rằng mình có đủ hàng trong kho để đáp ứng nhu cầu. Các siêu thị lớn tại Hàn Quốc như E-mart, Homeplus và Lotte Mart đang tìm cách nhập khẩu các nguồn khác như cá hồi đông lạnh của Chile, cá hồi Tasmania, Australia và cá hồi Scotland.

Chợ hải sản Nijo - chợ lớn nhất Sapporo và nổi tiếng nhất ở Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh: Nijo Market

Chợ hải sản Nijo - chợ lớn nhất Sapporo và nổi tiếng nhất ở Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh: Nijo Market

Tại một thị trường tiêu thụ hải sản mạnh khác là Nhật Bản – nơi nhập khẩu tới 60% cua, 9,5% cá hồi và 7,1% cá tuyết từ Nga, giá cả cũng đang tăng mạnh. Theo chủ một nhà hàng sushi tại Nhật, giá cua đã tăng 20% từ đầu tháng 3 trong khi các mặt hàng khác như nhím biển từ Nga cũng đã biến mất khỏi thị trường.

Các nhà hàng tại Hokkaido, địa phương nổi tiếng với các sản phẩm hải sản tươi cao cấp, cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực. Chủ nhà hàng mang tên Kaituissen tại đây cho biết nhà hàng của anh đang điều chỉnh lại thực đơn do giá hải sản tăng vọt đi kèm với ảnh hưởng của thủy triều đỏ ngoài bờ biển Hokkaido và căng thẳng chưa hạ nhiệt giữa Nga và Ukraine.

Các doanh nghiệp hải sản khác tại Nhật Bản cũng chịu cảnh khó khăn do giá cả tăng. Fukuya, một nhà sản xuất mentaiko (món ăn truyền thống của Nhật Bản làm từ trứng cá minh thái tẩm gia vị) lớn tại Nhật Bản, đang gặp các khó khăn tiềm ẩn do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Nga.

Đại diện của công ty cho biết hiện tại vẫn chưa có vấn đề lớn nào xảy ra. Tuy nhiên nếu căng thẳng kéo dài và các hạn chế nhập khẩu được áp dụng, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc mua hàng từ Nga và giá cả có khả năng cao sẽ gặp ảnh hưởng.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.