Chấm dứt tình trạng cán bộ ngại va chạm, đẩy nhanh việc gỡ thẻ vàng IUU

IUU THỦY SẢN
18:33 - 21/05/2023
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, nuôi biển là giải pháp giúp ngư dân giảm việc khai thác quá cường lực của tự nhiên. Ảnh: Phương Thảo
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, nuôi biển là giải pháp giúp ngư dân giảm việc khai thác quá cường lực của tự nhiên. Ảnh: Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00
Tại buổi trao đổi thông tin báo chí ngày 21/5, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, tháng 10/2023 Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, nên cần các giải pháp quyết liệt để gỡ được thẻ vàng IUU.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lịch kiểm tra thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) vào 23/5 đã được thông báo chuyển đến tháng 10 năm nay.

Đoàn kiểm tra EC có đề nghị 3 cuộc họp trực tuyến trước khi vào Việt Nam kiểm tra theo 3 mốc thời gian: Cuối tháng 5 – đầu tháng 6, cuối tháng 6 và trước tháng 10.

Cuối tháng này, từ ngày 28 đến 30/5, Cục Thủy sản có kế hoạch sang làm việc trực tiếp với EC để tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách kiến nghị của EC.

Thông tin về quá trình gỡ thẻ vàng IUU, ông Trần Đình Luân cho biết, vừa qua Công điện 265 của Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm phê bình các địa phương chưa làm tốt, đã tạo nên làn sóng phê bình từ thôn lên xã, xã lên huyện, huyện lên tỉnh.

"Đây là căn cứ để các địa phương có trách nhiệm, tham gia vào công tác gỡ thẻ vàng chứ không phải là của riêng ngành nông nghiệp," ông Luân nói.

Ảnh: Phương Thảo
Ảnh: Phương Thảo

"Đối với câu hỏi có gỡ được thẻ vàng IUU không? Thâm tâm thì mong muốn lắm, còn gỡ hay không thì là quyền của EC. Chúng ta là người bị thanh tra, không có quyền chủ động nên chỉ có thể nỗ lực tối đa để làm và làm vì chúng ta, chứ không phải vì EC. Đây chính là quá trình thực thi pháp luật về thủy sản Việt Nam vì sự phát triển bền vững của ngành”.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản

Để hiện thực hóa nỗ lực này, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa trong các giải pháp thực thi. Cục Thủy sản đang đẩy mạnh tuyên truyền về các hình thức xử phạt với địa phương.

Cụ thể, Nghị định 42 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, cho phép sử dụng hình ảnh để xử phạt nguội các tàu cá vi phạm, giống như trong thi hành giao thông.

“Đây là cách để chấm dứt hiện tượng ngư dân khi vi phạm tìm cách này, cách kia lẩn tránh. Cán bộ ở dưới ngại va chạm, không quyết liệt khiến cho việc thực thi pháp luật, xử phạt không nghiêm”, ông Luân nói.

Chuyển khai thác quá cường lực tự nhiên sang nuôi biển

Để bù đắp sản lượng khai thác thiếu hụt, ngành thủy sản cần có các định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Cục trưởng Cục Thủy sản nêu thực tế, phát triển nuôi trồng thủy sản được dồn nhiều kỳ vọng nhưng cũng có nhiều vướng mắc.

Thứ nhất là các địa phương mong muốn dành diện tích cho phát triển du lịch biển nhiều hơn là nuôi trồng thủy sản. Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất sốt ruột vì điều này và đã có nhiều văn bản gửi các đồng chí chủ tịch, UBND tỉnh, đề nghị trong quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, chỗ nào nuôi trồng thủy sản có lợi thế hơn cần phải ưu tiên.

Thứ hai, hiện nay chưa có quy hoạch không gian biển nên các địa phương chưa thể giao mặt nước cho các doanh nghiệp để nuôi biển. Cục Thủy sản đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa Nghị định 11 về quy trình, thủ tục giao mặt nước biển để tháo gỡ vướng mắc này.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, nuôi biển là ngành kinh tế độc lập giúp giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Là giải pháp chuyển ngư dân đang khai thác quá cường lực của tự nhiên chuyển sang nuôi biển.

“Ngay lúc này, cần phải tổ chức lại ngành nuôi biển, kêu gọi các doanh nghiệp lớn dẫn dắt ngư dân nuôi biển. Phải tư duy lại hướng phát triển của ngành hàng là giải quyết việc làm, sinh kế cho ngư dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp