Chế độ tiền lương hợp lý là một giải pháp phòng chống tham nhũng

TIỀN LƯƠNG QUỐC HỘI
15:39 - 21/11/2023
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn Bình Thuận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn Bình Thuận. Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên thảo luận Nghị trường ngày 21/11 về công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng, nhiều đại biểu trăn trở trước tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng và đề xuất các giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa.

Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) nhận định, trong năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên đại biểu cho biết, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực; vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân; thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử.

Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp. Cụ thể là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng.

“Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay”, bà Linh nói.

Đại biểu cho rằng một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả là chế độ tiền lương hợp lý để nâng cao mức sống của người lao động.

"Lương và phụ cấp là nguồn sống chính của cán bộ, công chức và gia đình họ, song chính sách này còn nhiều bất cập. Cần có giải pháp để lương cán bộ, công chức, viên chức tương đương mức sống khá trong xã hội", nữ đại biểu nêu ý kiến.

Cùng với đó, bà Linh đề xuất cơ chế giám sát, phản biện xã hội cần có hiệu lực trên thực tế. Quá trình xử lý người vi phạm nên phân loại nhóm chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm minh; người vi phạm do làm theo chỉ đạo của cấp trên cần được xem xét khoan hồng.

Cho rằng các vụ án tham nhũng lớn đã được ngăn chặn kịp thời, song đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nói "vẫn còn lọt lưới những con cá to trốn khỏi đất nước chưa bắt giữ được", gây khó khăn cho công tác tố tụng; tài sản tham nhũng được thu hồi cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Hòa nhấn mạnh về vụ án Vạn Thịnh Phát và cho biết "người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản, tiền của các đối tượng trong vụ án này".

Ông cũng nêu vấn đề về việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật nhằm mục đích chuyển từ tiền gửi sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Hậu quả của việc này là đã có cả nghìn người gửi đơn khiếu nại; làm giảm lòng tin người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm.

Đại biểu Phạm Văn Hoà kiến nghị Chính phủ, các ngành chức năng đánh giá kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục.

Đại biểu Siu Hương (Đoàn Gia Lai) đánh giá cao kết quả đạt được về công tác tư pháp trong thời gian qua. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức và những người làm công tác tư pháp hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra; đặc biệt chưa phát hiện các trường hợp oan sai trong thực hiện chức năng tố tụng của các cơ quan. Đại biểu cho rằng, đây là điều đáng mừng trong tình hình tội phạm ngày càng gia tăng hiện nay.

Theo bà Siu Hương, trong tình hình hiện nay, tình trạng nhiều loại tội phạm gia tăng về số lượng và quy mô, vì vậy cần có kiến nghị về mặt thể chế để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao hơn.

“Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi chiếm đoạt tài sản có giá từ 2 triệu đồng đã cấu thành tội phạm có còn phù hợp với tình hình phát triển của xã hội hiện nay? Đây là một kiến nghị để có cách nhìn sâu hơn về sự phát triển của xã hội để chỉnh sửa luật cho phù hợp”, đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Siu Hương - Đoàn Gia Lai. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Siu Hương - Đoàn Gia Lai. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Siu Hương cũng đề nghị cần mạnh tay xử lý đối với tình trạng vi phạm pháp luật trong ngành tư pháp, bảo vệ pháp luật, góp phần bảo vệ chế độ quyền lợi chính đáng của các chủ thể; tăng cường hơn nữa đối với công tác giáo dục đạo đức công vụ.

Tin liên quan

Đọc tiếp