Chi phí đầu tư là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp chuyển đổi số

số hóa DOANH NGHIỆP
16:13 - 20/07/2022
Các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có tiềm lực tài chính hạn chế nên gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ.
Các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có tiềm lực tài chính hạn chế nên gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp có những rào cản, khó khăn khác nhau trong lộ trình chuyển đổi số.

Hơn 60% doanh nghiệp gặp khó về vốn

Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2021: Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Dự án USAID LinkSME thực hiện trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, đã tiến hành khảo sát 1.300 doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau từ nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ còn cao. Điều này một phần cũng do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn nói chung, trong đó ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số.

Khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh được coi là rào cản lớn thứ hai, chiếm tỷ lệ 52,3% số doanh nghiệp khảo sát. Qua phản ánh của các doanh nghiệp, việc chuyển đối số sẽ thay đổi thói quen và cách làm việc của người lao động. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng, hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp không đạt được mục tiêu đề ra.

Tiếp đến, khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số là rào cản thứ ba, chiếm 52,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Trong một năm qua, nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp đã được cải thiện nhiều, nhiều doanh nghiệp đã có ý định, nhu cầu chuyển đổi số.

Khi doanh nghiệp bắt đầu mục tiêu chuyển đổi số, thì bắt gặp khó khăn về việc thiếu các cán bộ có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để triển khai dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình. Rào cản lớn thứ tư đối với doanh nghiệp chính là thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, được 45,4% doanh nghiệp phản ánh.

Thiếu thông tin về công nghệ số và khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số là hai rào cản chính tiếp theo, chiếm tỷ lệ lần lượt là 40,4% và 38,5%. Các rào cản còn lại như thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động; và sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp xếp ở mức thấp nhất với tỷ lệ lần lượt là 32,1%, 26,6% và 23,4%.

Khi phân tích sâu hơn theo quy mô doanh nghiệp, thứ tự các rào cản có phần khác nhau giữa các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, doanh nghiệp quy mô nhỏ với doanh nghiệp quy mô vừa và doanh nghiệp quy mô lớn.

Nhìn chung, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có tiềm lực tài chính hạn chế nên gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Trong khi các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có tiềm lực tài chính tốt hơn thì gặp rào cản nhiều nhất về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh.

Điều này một phần do các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có bộ máy, quy trình phức tạp hơn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì thế sẽ khó khăn hơn khi thích ứng với thay đổi.

Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Kết quả từ báo cáo cũng cho thấy có tới 39,5% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát tập trung chuyển đổi số để ứng dụng cho doanh nghiệp của mình. Các doanh nghiệp đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải chuyển đổi số, kết quả mà chuyển đổi số mang lại và bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung.

Hai mục đích phổ biến tiếp theo của doanh nghiệp khi tham gia khảo sát là học tập và nghiên cứu, tìm hiểu và tham khảo với lần lượt 26,3% và 22,1% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp đều đang trong quá trình tìm hiểu để triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp đã có ý định triển khai chuyển đổi số và số lượng doanh nghiệp chưa có ý định triển khai chuyển đổi số là gần tương đương nhau.

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có chưa đến 2% tổng số doanh nghiệp có mục đích sử dụng các kiến thức chuyển đổi số để đào tạo nội bộ hoặc tư vấn cho các bên thứ ba có nhu cầu. Các doanh nghiệp có nhu cầu này chủ yếu là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác.

Tỷ lệ này duy trì ở mức rất thấp do để có thể thực hiện đào tạo, tư vấn chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp phải có trình độ cao về mặt công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai chuyển đổi số cho các bên thứ ba cũng như hiểu biết về các giải pháp công nghệ và các nhà cung cấp hiện có trên thị trường.

Riêng với doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu, có tới 43,9% doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như hướng dẫn việc khởi tạo và duy trì tài khoản, xây dựng mô hình kinh doanh, tiếp thị, vận chuyển khi tham gia các sàn thương mại điện tử; 42,3% có nhu cầu hỗ trợ về các giải pháp vận chuyển, kho bãi, logistics xuyên biên giới và 35,5% doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp thanh toán xuyên biên giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.