Chính phủ Nga chặn website của CIA và FBI

Căng thẳng Nga - Mỹ
11:49 - 28/01/2023
Chính phủ Nga đã chặn các trang web của chính phủ Mỹ như CIA, FBI cùng một số trang web liên quan khác. Ảnh: Getty Images
Chính phủ Nga đã chặn các trang web của chính phủ Mỹ như CIA, FBI cùng một số trang web liên quan khác. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 27/1, cơ quan giám sát truyền thông nhà nước Roskomnadzor của Nga đưa ra thông báo chính phủ nước này đã hoàn toàn chặn truy cập các trang web của các cơ quan Mỹ bao gồm CIA, FBI cũng như một số nền tảng có liên quan khác.

RT trích dẫn thông báo chính thức của Roskomnadzor cho biết, cơ quan này đã đưa các cổng trực tuyến của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng như nền tảng phản gián và chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ vào danh sách đen.

Hiện tại, nếu người dùng tại Nga muốn truy cập các trang web của CIA, FBI trình duyệt sẽ trả về một thông báo cho biết “địa chỉ IP này đã bị chặn theo quyết định của cơ quan nhà nước”. Đối với một số trường hợp, trình duyệt có thể sẽ chỉ trả lại thông báo "không thể truy cập trang web” cho người dùng.

Nguyên nhân được đưa ra là do những trang web này “truyền bá thông tin sai lệch và làm mất uy tín của lực lượng vũ trang Nga”. Cụ thể, trong một tuyên bố với hãng thông tấn TASS, Roskomnadzor giải thích rằng các trang web bị phát hiện vi phạm luật Liên bang Nga liên quan đến thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin.

Do đó trên cơ sở Luật Liên bang số 149-FZ, Roskomnadzor đã hạn chế quyền truy cập vào một số nền tảng thuộc nhà nước của các quốc gia “thù địch” với mục đích lan truyền tài liệu, gây bất ổn tình hình xã hội và chính trị ở Liên bang Nga.

Trên thực tế hồi tháng 11/2022, giám đốc gián điệp của CIA David Marlowe cũng tuyên bố rằng cơ quan này “rộng mở về vấn đề công việc”, đồng thời nhấn mạnh hy vọng tuyển dụng những người Nga bất mãn trước cuộc xung đột quân sự đang diễn ra giữa Moscow và Kiev cho các nỗ lực phản gián.

Các động thái này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang bế tắc và không tìm được phương án hòa giải khi chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn. Phía Nga tố cáo Mỹ đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khi cung cấp viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Kiev, đồng thời cung cấp hỗ trợ hậu cần và tình báo.

Nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình, ngày 26/1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland khẳng định các hạn chế đối với Moscow có thể được nới lỏng nếu quốc gia này trao trả các vùng lãnh thổ mới được thành lập cho Ukraine.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cùng ngày, bà Nuland gợi ý rằng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ “ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt” nếu Moscow quyết định “đàm phán nghiêm túc, rút quân khỏi Ukraine và trả lại lãnh thổ”.

Phản ứng lại tuyên bố này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/1 cho biết Mỹ đang đưa ra các yêu cầu khiến cho các cuộc thỏa thuận về lệnh trừng phạt và các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga trở thành điều không thể xảy ra.

Trả lời câu hỏi trước các phóng viên, ông Peskov nhận định: “Chúng tôi vẫn chưa thấy điều gì mới trong lời nói của bà Nuland”. Theo RT trích dẫn ông Peskov, những lời nói của bà Nuland đang “lặp lại tất cả các luận điểm cho thấy sự thiếu linh hoạt trong lập trường của chính phủ Mỹ”. Điều này lại trái ngược hoàn toàn với lập trường của Nga.

Đọc tiếp