Chính thức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/4

Xăng Dầu Việt nAM
17:02 - 23/03/2022
Chính thức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/4
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường một số mặt hàng xăng dầu, với mức giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít các loại dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Quyết định này áp dụng từ ngày 1/4/2022.

Theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu sẽ áp dụng từ ngày 1/4/2022 đến 31/12/2022. Quyết định này dựa trên xem xét tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại Quốc hội trước đó.

Đề xuất của Chính phủ là điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 4.000 đồng xuống 2.000 đồng/ lít xăng, từ 2.000 đồng xuống 1.000 đồng/ lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; từ 2.000 đồng xuống 1.000 đồng/ kg mỡ nhờn và từ 1.000 đồng/ lít xuống mức sàn 300 đồng/ lít với dầu hỏa. Riêng với nhiên liệu bay, đề xuất giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng dầu (Ảnh: Vietnamnet)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng dầu (Ảnh: Vietnamnet)

Tờ trình của Chính phủ cũng cho rằng giải pháp điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh như thời gian qua, do xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, có tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường cũng góp phần trực tiếp giảm giá bán lẻ xăng dầu, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, hỗ trợ người dân trong giảm giá thành sản phẩm, hướng tới duy trì ổn định các chỉ tiêu vĩ mô như lạm phát.

Tại báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến thống nhất với đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tờ trình chưa làm rõ được căn cứ để tính toán mức độ giảm thuế đối với từng mặt hàng xăng dầu theo các kịch bản điều hành tương ứng với mức độ biến động của giá dầu thô thế giới. Cụ thể, giá dầu thế giới trong thời gian qua có thời điểm tăng vọt lên 130 USD/ thùng nhưng hiện đã giảm về quanh mức 100 - 110 USD/ thùng.

Hay một số ý kiến khác cho rằng không nên áp dụng mức giảm đều 50% thuế bảo vệ môi trường cho tất cả các mặt hàng xăng dầu trừ dầu hỏa, mà mức giảm cần được tính đến diễn biến giá thế giới.

Dựa trên những ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu; đồng thời bổ sung số liệu so sánh giá xăng, dầu trong nước so với các nước trong khu vực để tránh tình trạng buôn lậu, chuyển xăng, dầu ra bên ngoài.

Một số ý kiến đề xuất xem xét giảm thuế nhập khẩu như một công cụ chính sách để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước. Hoặc trên thế giới, có nhiều quốc gia áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng quan điểm với ý kiến này, trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới nhất, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng cho rằng giảm thuế bảo vệ môi trường không phải biện pháp lâu dài để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách đề xuất Chính phủ nghiên cứu khả năng giảm chu kỳ điều hành giá để giá xăng dầu trong nước tiệm cận hơn với biến động của thị trường thế giới. Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, có ý kiến đề xuất Chính phủ nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho quỹ bằng hiện vật (xăng dầu)...

Việc điều chỉnh chu kỳ điều hành giá xăng dầu cũng là đề xuất của nhiều chuyên gia, trong đó có TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV. Theo ông Lực, trong bối cảnh giá biến động mạnh theo ngày như hiện nay, rất cần phương thức điều hành giá linh hoạt hơn, chẳng hạn như giảm thời gian chu kỳ điều chỉnh giá xuống 5 ngày/lần. Đồng thời, vị chuyên gia này cũng đề xuất xem xét lại Quỹ Bình ổn xăng dầu và có phương thức cải tiến để quỹ hoạt động hiệu quả hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.