Chứng khoán Đông Nam Á bùng nổ các thương vụ IPO khủng

IPO ĐÔNG NAM Á
15:57 - 06/12/2021
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Các công ty Đông Nam Á đã gọi vốn được 10 tỉ USD từ các thương vụ IPO trong năm 2021. Đây là kết quả của những nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn từ lãnh đạo các tập đoàn và nỗ lực thu hút đầu tư của các sàn giao dịch chứng khoán.

Theo Deloitte, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu khu vực với hơn 35 công ty và quỹ đầu tư bất động sản huy động được 4,2 tỉ USD tính đến ngày 15/11. Phillipines và Indonesia lần lượt vượt Singapore để chiếm vị trí số 2 và số 3. Trong năm nay, số vốn huy động được qua các thương vụ IPO tại thị trường Philipnes tăng 3 lần trong khi Indonesia chứng kiến mức gia tăng tới 6 lần.

Thái Lan chiếm 43% tổng số tiền huy động được trong khu vực tính đến giữa tháng 11. Con số này thấp hơn so với mức 63% đạt được vào năm 2020 do Philippines và Indonesia đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Một chuyên gia phân tích tại KGI Securities, Thái Lan cho biết: “IPO cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều lựa chọn hơn để kiếm lời vào thời điểm mà lãi suất khó có thể tăng”.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các công ty huy động vốn để đầu tư vào việc đa dạng hóa các nguồn doanh thu và gia tăng tốc độ số hóa doanh nghiệp. Tay Hwee Ling, cố vấn cấp cao các sự kiện đột phá tại Deloitte Đông Nam Á và Singapore, cho biết: “Mọi con mắt đang đổ dồn vào khu vực, với tính thanh khoản dồi dào thể hiện rõ qua vô số các thương vụ niêm yết nổi bật ở Đông Nam Á”.

Số vốn IPO huy động được bởi các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Deloitte

Số vốn IPO huy động được bởi các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Deloitte

Tại Thái Lan, năm 2021 được mở đầu với thương vụ IPO “bom tấn” của PTT Oil and Retail Business (PTTOR) – một nhánh chuyên bán lẻ thuộc doanh nghiệp dầu khí nhà nước. Vào tháng 2, tập đoàn nãy đã huy động được 1,6 tỉ USD. Tập đoàn tài chính vi mô Ngern Tid Lor tiếp tục huy động được 1,1 tỉ USD trong thương vụ IPO của mình vào tháng 5. Vào tháng 11 gần đây, nhà sản xuất và phân phối nội dung truyền thông giải trí The One đã huy động được 124 triệu USD.

Các hoạt động IPO sôi động của Philippines được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư bất động sản (REIT). Năm 2020, Sở giao dịch chứng khoán Philippines chào đón lần niếm yết đầu tiên của một REIT. Sau đó trong năm 2021, bốn REIT lớn đã huy động được tổng cộng 1,8 tỷ USD. Ngoài ra, đợt IPO trị giá 1 tỷ USD của gã khổng lồ thực phẩm và đồ uống Monde Nissin đã giúp số vốn trên thị trường quốc gia này vào năm 2021 nhiều hơn so 4 năm trước cộng lại.

Trong khi đó, Indonesia đã ghi nhận 43 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, thu về tổng cộng 3,57 tỷ USD. Trong đó, có 1,5 tỉ USD thuộc về kì lân thương mại điện tử Bukalapak vào tháng 8. Đây cũng được coi như đợt huy động vốn IPO hàng năm lớn nhất trong lịch sử giao dịch chứng khoán tại Jakarta.

Công ty cơ sở hạ tầng viễn thông Dayamitra Telekomunikasi của Indonesia, hay Mitratel, đã lên sàn chứng khoán vào ngày 22/11, thu về 1,2 tỷ USD từ đợt IPO của mình. Hai công ty khác bao gồm Widodo Makmur Perkasa – doanh nghiệp điều hành các trang trại gia súc, gia cầm và cơ sở chế biến thịt cùng với nhà sản xuất sữa Cisarua Mountain Dairy dự kiến sẽ IPO tại Indonesia vào 6/12. Mục tiêu gọi vốn của hai công ty này lần lượt là 49 triệu USD và 254 triệu USD.

Imelda Orbito, cố vấn tại Deloitte Indonesia, cho biết cổ phiếu công nghệ đặc biệt hấp dẫn đối với những người Indonesia thuộc thế hệ trẻ. Những người trẻ tuổi này cũng chiếm tới 80% các nhà đầu tư bán lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán Indonesia.

Báo cáo của Deloitte bao gồm dữ liệu đến ngày 15/11 khi 121 công ty huy động được 9,77 tỷ USD trên các sàn giao dịch Đông Nam Á. Tuy nhiên, dòng vốn IPO vẫn đang tiếp tục gia tăng. Daiwa House Logistics Trust, một doanh nghiệp vận tải sở hữu 14 kho hàng tại Nhật Bản, đã huy động được 422 triệu USD thông qua niêm yết trên Sàn giao dịch Singapore.

Số giao dịch IPO cùng số vốn IPO huy động được bởi các nước Đông Nam Á. Ảnh: Deloitte, Nikkei research

Số giao dịch IPO cùng số vốn IPO huy động được bởi các nước Đông Nam Á. Ảnh: Deloitte, Nikkei research

Tầm nhìn cho năm 2022

Thị trường IPO của Đông Nam Á dự kiến cũng sẽ có một khởi đầu sôi động vào năm 2022 với kế hoạch niêm yết của một số công ty. Sự ra mắt thành công của Mitratel, một công ty con của Telekomunikasi Indonesia, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tự tin của chính phủ trong việc tiến hành IPO cho ít nhất 13 doanh nghiệp nhà nước khác hoặc các công ty con trong vài năm tới.

Công ty công nghệ lớn nhất Indonesia, GoTo, được cho là đang lên lịch IPO vào nửa đầu năm 2022. Sở giao dịch chứng khoán Indonesia được kì vọng sẽ có những thay đổi trong quy tắc giúp cho doanh nghiệp này lên sàn thuận lợi hơn. Sở giao dịch cũng sẽ ban hành chính sách cho phép những người sáng lập công ty có quyền biểu quyết lớn hơn các nhà đầu tư mới.

Sau khi xếp sau Thái Lan năm thứ ba liên tiếp, Singapore đã giới thiệu một khung quy định mới cho phép các công ty SPAC được niêm yết trên Sàn giao dịch Singapore. Động thái này trước kia cũng từng giúp thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến sự bùng nổ IPO và Singapore đang kỳ vọng điều tương tự sẽ xảy ra vào năm 2022

Để cạnh tranh trong khu vực, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan vào đầu năm nay đã sửa đổi chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty có thể niêm yết. Các ngành công nghiệp trong diện ưu tiên gồm có ngành công nghiệp ô tô thế hệ mới, robot, hàng không, logistics. Ngoài ra, các nhòm ngành du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học và công nghệ nano cũng nằm trong danh sách.

Ngoài ra, ngày 20/5 vừa qua, Ủy ban Đầu tư Thái Lan đã cho phép cho các công ty mới niêm yết được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số khoản đầu tư. Ngoài ra, những doanh nghiệp này còn được hưởng các ưu đãi thuế khác.

Sàn chứng khoán cũng đang đàm phán với Ủy ban An ninh và Giao dịch của Thái Lan để xem xét lại các quy tắc niêm yết nghiêm ngặt hơn đối với các công ty nước ngoài so với các công ty Thái Lan. Ví dụ, nhiều công ty nước ngoài được yêu cầu duy trì tỷ lệ thả nổi tự do không dưới 20%. Tuy nhiên, ngưỡng này là 15% đối với các công ty Thái Lan. Vào tháng 9, Ủy ban cũng đã rút ngắn thời gian bắt buộc từ ba năm xuống một năm, bằng với các công ty Thái Lan, cho các công ty nước ngoài thuê cố vấn tài chính giám sát hoạt động của họ.

Wilasinee Krishnamra, cố vấn tại Deloitte Thái Lan, cho biết: “Chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều công ty công nghệ và kỹ thuật số niêm yết tại Thái Lan hơn - một sự khác biệt so với các công ty truyền thống”.

Đọc tiếp