Chuyển đổi số trong ngân hàng: Cần sớm có hành lang pháp lý

NGÂN HÀNG Việt nAM
13:00 - 30/12/2021
Chuyển đổi số trong ngân hàng: Cần sớm có hành lang pháp lý
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, hiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng là chưa đầy đủ, còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Tiên phong trong chuyển đổi số

Ngành Ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đưa ra với ngành tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 hôm 29/12.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 (Ảnh: VGP)

Xác định chuyển đổi số sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế xã hội, từ tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư. Đây là Nghị quyết mở đầu cho hàng loạt văn bản, Quyết định, Nghị quyết quan trọng sau đó của Chính phủ và các bộ ngành liên quan về xu hướng và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển đổi số vừa mang đến cơ hội lớn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc tạo ra những mô hình kinh doanh mới, giá trị mới; lại vừa đặt ra những thách thức trọng yếu trong đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu.

Nhận diện tính tất yếu cũng như cơ hội lớn từ chuyển đổi số cũng như hưởng ứng Quyết định 810/QĐ-NHNN về phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng tới năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các ngân hàng đến nay đã có những bước đi mạnh mẽ trong thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, những bước đi này phần nào mang lại kết quả tích cực.

Chẳng hạn, theo báo cáo của đại diện ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), với kinh nghiệm 20 năm phát triển dịch vụ số, đến nay, công cuộc chuyển đổi số ở Vietcombank đã đạt được những thành tựu nhất định. Điều đó thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ số lượng khách hàng cá nhân và tổ chức sử dụng ứng dụng Digibank của Vietcombank.

Tính riêng 11 tháng năm 2021, số lượng khách hàng cá nhân trên các kênh số tăng 44%, số lượng giao dịch tăng gần 57% và giá trị giao dịch tăng khoảng 64%. Mỗi ngày, các kênh số của Vietcombank xử lý thông suốt gần 1,4 triệu giao dịch với giá trị hơn 11.000 tỷ đồng. Tỷ lệ giao dịch của khách hàng cá nhân trên các kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch. Với nhóm khách hàng tổ chức, trong 2 năm trở lại đây, lượng giao dịch tăng bình quân 23%/năm.

Ảnh tác giả

“Từ rất sớm, Vietcombank luôn xác định công nghệ và số hoá là những yếu tố then chốt, quyết định để duy trì năng lực cạnh tranh, đảm bảo vị thế dẫn đầu tại thị trường trong nước và chinh phục mục tiêu chiến lược trở thành 1 trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á, 1 trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Thế giới, được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất”.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietcombank

Năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được Tập đoàn Tư vấn quản trị hàng đầu thế giới McKinsey đánh giá là ngành có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.

Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Nhận định 2021 là năm ngành Ngân hàng có bước phát triển mạnh mẽ trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vẫn chỉ ra một số vấn đề tồn tại như hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành chưa đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Trong năm 2022, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng tiếp tục giữ vững vị trí một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như công khai, minh bạch thông tin tài sản của các tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ vào việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tiện ích, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Khẳng định chuyển đổi số thành công là điều kiện quan trọng đảm bảo năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietcombank Phạm Quang Dũng cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, Vietcombank đề nghị NHNN tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện hơn nữa cho các hoạt động cho vay trực tuyến, cho vay qua các kênh số. Qua đó, góp phần giải quyết thực trạng hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại chưa đầy đủ mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu ra trước đó.

Một số kiến nghị khác bao gồm sớm thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; thể chế hoá các chính sách để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khả năng cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp Nhà nước với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.