COP28 không đạt được thỏa thuận về nhiên liệu hóa thạch

Khí hậu THẾ GIỚI
18:43 - 12/12/2023
Tổng giám đốc COP28 Majid al-Suwaidi. Ảnh: AP
Tổng giám đốc COP28 Majid al-Suwaidi. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 kết thúc ngày 12/12, các quốc gia tham gia vẫn đang gặp phải sự bế tắc giữa hai luồng ý kiến trái ngược liên quan tới việc loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc loại bỏ hoàn toàn.

Theo hãng tin AP, hội nghị COP28 ngày 12/12 đi đến kết thúc sau khoảng thời gian gần 2 tuần với nhiều cuộc thảo luận sâu rộng. Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận được công bố ngày 11/12 nhằm kêu gọi các nước giảm “tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng” đã gặp phải các luồng ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ các quốc gia muốn loại bỏ hoàn toàn khí đốt, dầu mỏ và than đá.

Nhận định về tình hình, ông Majid al-Suwaidi, Tổng giám đốc COP28, cho biết dự thảo công bố ngày 11/12 nhằm mục đích kêu gọi các quốc gia bắt đầu nói chuyện và trình bày những yếu tố cản trở thỏa thuận đối với họ, hay còn được gọi là “ranh giới đỏ”.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 12/12, ông giải thích: “Văn bản chúng tôi công bố là điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận. Khi công bố, chúng tôi nhận thức được các luồng ý kiến đang bị phân cực, nhưng điều chúng tôi không biết là ranh giới đỏ của mỗi quốc gia nằm ở đâu”.

Ông cũng cam kết đưa ra dự thảo mới sau khi tiếp thu những phản hồi. Tuy nhiên, phần lớn các điểm quan trọng trong các cuộc thảo luận về khí hậu tại Dubai vẫn đang trong tình trạng trì hoãn.

Trước mắt, các quốc gia như Saudi Arabia sẽ không chấp nhận việc dự thảo sử dụng ngôn ngữ liên quan tới việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Ngược lại, các nước châu Âu và các quốc đảo nhỏ lại cho rằng việc không sử dụng những từ trên là không thể chấp nhận được trong khi điều quan trọng COP28 cần đạt được lúc này là tìm ra được một sự đồng thuận.

Đặc phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall Tina Stege thể hiện thái độ phản đối mạnh khi gọi dự thảo này là “một danh sách điều ước vô nghĩa” đã không đề cập đến mục tiêu của thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Về phía châu Âu, đặc phái viên về khí hậu của Đức Jennifer Morgan khẳng định: "Chúng ta cần hợp tác tích cực để tìm ra một dự thảo mà thế giới có thể đồng thuận - một dự thảo giúp mọi người hiểu rõ về việc tránh xa kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch”.

Dự thảo còn vấp phải sự phản đối từ các tổ chức môi trường và các nhà vận động. Các nhà hoạt động cho biết họ lo ngại rằng sự phản đối từ các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, chẳng hạn như Saudi Arabia, khiến dự thảo trở nên thiếu quyết liệt. Nhà hoạt động Vanessa Nakate nhận định: “Dự thảo mà chúng ta thấy ngày hôm qua đang đánh chìm xuồng cứu sinh của nhân loại”.

Trong khi đó, nhà hoạt động Romain Ioualalen của Oil Change International cho biết: “Tôi nghĩ có rất nhiều việc mà chủ tịch COP28 cần phải làm để cải thiện điều này vì nỗ lực đầu tiên đã không thành công. Nếu không đạt được kết quả về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, hội nghị COP lần này sẽ thất bại”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.