Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen quay trở lại chính trường

Bầu cử Campuchia
16:21 - 25/02/2024
Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôn lá phiếu tại điểm bỏ phiếu bầu cử Thượng viện ở thành phố Takhmao, tỉnh Kandal, ngày 25/2. Ảnh: AFP
Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôn lá phiếu tại điểm bỏ phiếu bầu cử Thượng viện ở thành phố Takhmao, tỉnh Kandal, ngày 25/2. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 25/2, các ủy viên hội đồng xã và nghị sỹ Campuchia đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện. Ông Hun Sen cũng tham gia tranh cử một ghế trong Thượng viện, chính thức đánh dấu ông trở lại chính trường sau khi từ chức thủ tướng vào năm ngoái. 

Theo AFP, ông Hun Sen - Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện tại khu vực gần nhà riêng ở thành phố Takhmao, tỉnh Kandal. Cựu Thủ tướng Campuchia từng cho biết ông có ý định trở thành Chủ tịch Thượng viện.

Ủy viên Hội đồng Chhim Vanarith – quan chức bỏ phiếu tại cùng điểm bầu cử, hoan nghênh động thái này của ông Hun Sen. “Nếu ông ấy lãnh đạo Thượng viện, rõ ràng đất nước chúng ta sẽ phát triển và hòa bình hơn nữa”, ông Vanarith nói.

Ông Hun Sen bỏ lá phiếu vào hòm. Ảnh: Khmer Times

Ông Hun Sen bỏ lá phiếu vào hòm. Ảnh: Khmer Times

4 đảng chính trị tại Campuchia, gồm đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Funcinpec theo chủ nghĩa bảo hoàng và 2 đảng đối lập nhỏ đều tham gia cuộc bầu cử Thượng viện.

Trong số 62 ghế Thượng viện, 58 ghế sẽ được bầu bởi 125 nghị sĩ và hơn 11.000 chính quyền địa phương. Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ bổ nhiệm hai thượng nghị sĩ, trong khi Quốc hội bổ nhiệm hai người còn lại.

Hầu hết các cử tri đủ điều kiện đều là thành viên của CPP, khiến chiến thắng của ông Hun Sen gần như là chắc chắn.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet thực hiện bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu ở Phnom Penh, ngày 25/2. Ảnh: Khmer Times

Thủ tướng Campuchia Hun Manet thực hiện bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu ở Phnom Penh, ngày 25/2. Ảnh: Khmer Times

Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) dự kiến sẽ mất vài tuần để công bố kết quả chính thức. Dù vậy, các cử tri ở thủ đô Phnom Penh dường như đang mong muốn thấy ông Hun Sen trở lại chính trường.

“Ông ấy có nhiều kinh nghiệm nên nếu ông lãnh đạo Thượng viện, đất nước chúng tôi sẽ thịnh vượng”, trưởng xã Oeu Siphon cho hay.

Ông Hun Sen trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia vào năm 1979 sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, khi đó ông 27 tuổi. Ông giữ chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia từ năm 1981 đến năm 1985.

Ngày 14/1/1985, ông Hun Sen nhậm chức Thủ tướng sau khi được Quốc hội nhất trí bầu để kế nhiệm ông Chan Sy - người qua đời tháng 12/1985. Ông trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới khi đó ở tuổi 32. Tính đến tháng 1/2023, ông đã đánh dấu 38 năm nắm giữ vị trí Thủ tướng Campuchia.

Tháng 8/2023, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố từ chức và chuyển giao quyền lực cho con trai là Đại tướng Hun Manet. Ông cho biết sẽ không can thiệp vào công việc của tướng Hun Manet sau khi ông ấy nhậm chức.

Sau khi từ chức, ông Hun Sen đã được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng tối cao của Nhà vua Campuchia. Ngoài ra, ông vẫn nắm giữ các quyền hạn với tư cách là Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP).

Tin liên quan

Đọc tiếp