Đại biểu hiến kế hạn chế người có thu nhập cao 'tranh' mua, thuê nhà ở xã hội

Nhà ở QUỐC HỘI
09:59 - 19/06/2023
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội đề xuất, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, như vậy sẽ không xảy ra việc người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp.

Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đánh giá chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo luật. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.

Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.

Ngoài ra, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.

"Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội", đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề xuất.

Cũng theo đại biểu, nếu quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, còn nhà ở xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội.

Đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở (sửa đổi) với Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông quan tâm tới tính thống nhất của thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, tại khoản 19, Điều 3 của dự thảo luật và hộ gia đình sử dụng đất tại khoản 28 Điều 3 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).

Cụ thể, theo dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, cùng thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung hoặc trên đất thuê, đất mượn và cùng tham gia quản lý, sử dụng nhà ở đó.

Pháp luật quy định nhà ở là tài sản gắn liền với đất, do đó, các quy định về nhà ở, đất đai phải có sự thống nhất. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn các vấn đề về hộ gia đình trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, tại khoản 19 Điều 3 có đề cập đến khái niệm thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, cùng thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung hoặc trên đất thuê, đất mượn và cùng tham gia quản lý, sử dụng nhà ở đó.

Tuy nhiên, trong các quy định của dự thảo luật thì không đề cập đến khái niệm này. Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét tính cần thiết của việc quy định khái niệm này tại Điều 3 Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP HCM

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP HCM

Về hành vi nghiêm cấm, tại Điều 5 của dự thảo luật có quy định về việc áp dụng cách tính sai diện tích nhà ở. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến cách tính diện tích nhà ở. Đồng thời, theo đại biểu, nếu xác định đây là hành vi vi phạm, cần làm rõ ý thức chủ quan, yếu tố lỗi trong việc áp dụng cách tính sai diện tích để làm cơ sở xác định đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Đọc tiếp