Đầu tư chế biến sâu để ngành cà phê Việt thành 'con hổ biết gầm'

cà phê Việt nAM
19:58 - 13/07/2023
Lâm Đồng định hướng người nông dân trồng cà phê chuyển sang giống chất lượng cao. Ảnh: VGP.
Lâm Đồng định hướng người nông dân trồng cà phê chuyển sang giống chất lượng cao. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy ví von ngành cà phê Việt Nam hiện nay như "con hổ không có tiếng gầm" bởi thiếu đầu tư công nghệ, chế biến sâu, do đó cần có chính sách thỏa đáng nhất là từ khâu xây dựng vùng nguyên liệu.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao.

Làm rõ những hạn chế này, tại tọa đàm “Liên kết thúc đẩy tiêu thụ cà phê vùng đồng bào dân tộc miền núi” do Báo Công Thương tổ chức chiều 13/7, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận ngành cà phê Việt Nam là “con hổ nhưng chưa có tiếng gầm” bởi còn nhiều hạn chế.

Một trong số đó theo ông Thủy là hiệp hội và các doanh nghiệp ngành cà phê chưa bám sát thị trường. Vai trò của hiệp hội cà phê còn mờ nhạt, chưa thực sự hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi đi lệch hướng thị trường, đầu tư sai hướng sẽ mất rất nhiều nguồn lực và cơ hội của mình.

Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn tín dụng của người nông dân. “Có sự thông cảm là ngân hàng cũng là người kinh doanh nhưng người nông dân thật sự khó khăn khi tiếp cận tín dụng là một thiệt thòi. Trong khi đó, tín dụng là chìa khóa mở cửa cho khoa học công nghệ, đầu tư hiện đại hóa cơ sở sản xuất, chế biến sâu”, ông Thủy chỉ rõ.

"Nếu xác định cà phê là mặt hàng chủ lực, là nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ/ngành liên quan, nhất là những chính sách thích đáng cho đồng bào dân tộc miền núi phát triển ngành hàng cà phê theo hướng chế biến sâu, chuyên nghiệp, hiện đại”.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Chế biến sâu mở ra cánh cửa tiêu thụ cho bà con trồng cà phê

Chia sẻ từ một địa phương có diện tích trồng cà phê lớn của Việt Nam, bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, các Bộ/ngành và tham tán Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hỗ trợ nông dân bà con Lâm Đồng nắm bắt thông tin, cập nhật thị trường để thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, bà Thanh chỉ ra Lâm Đồng vẫn có điểm khó khăn là không có cảng biển nên chi phí logistics tăng cao. Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế khiến các nước thu hẹp thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ giảm sút.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, định hướng cà phê Lâm Đồng tham gia sâu hơn nữa vào thị trường trong nước, thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, nông sản hữu cơ, có sự xuất hiện nhiều hơn nữa trên các chuỗi bán lẻ.

Đồng thời, tỉnh cũng tận dụng các hiệp định FTA để nắm bắt cơ hội xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, đặc biệt là sử dụng giải pháp thương mại điện tử linh hoạt.

"Lâm Đồng có cà phê Arabica nổi tiếng, tỉnh đang lựa chọn khu vực chân núi Langbiang để xây dựng thành khu chế biến cà phê chất lượng cao kết hợp du lịch canh nông. Qua đó, tạo được sinh kế cho đồng bào, hạn chế phá rừng đốt nương làm rẫy”.

Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng

Cà phê Việt Nam có triển vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 6 tỷ USD. Để đóng góp vào mục tiêu này, bà Thanh cho biết, Lâm Đồng định hướng người nông dân chuyển sang giống chất lượng cao, khuyến khích họ liên kết lẫn nhau, tham gia vào các tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu chất lượng và đồng đều. Thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, cà phê Lâm Đồng có thể vươn xa.

Đối với cà phê hòa tan hoặc chế biến sâu, theo bà Thanh, thị hiếu các loại này đã thay đổi, doanh nghiệp chế biến cần nhạy bén hơn với các xu hướng mới để chắc chân ở thị trường trong nước trước khi hướng ra xuất khẩu. Tỷ lệ hiện tại tỉnh khuyến khích là tiêu thụ 5-10% sản lượng cà phê trong nước.

Ngoài ra, Lâm Đồng cũng chú trọng đến việc trang bị cho nông dân khả năng đảm bảo vùng tưới tiêu và cơ khí hóa, tự động hóa.

Từ góc độ nhà sản xuất, chế biến, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao ở Sơn La cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ cà phê cho bà con dân tộc thiểu số cần định hướng họ sản xuất sản phẩm chất lượng. Hiện nay nhu cầu trong và ngoài nước đều hướng đến sản phẩm chất lượng cao, đặc sản.

Ông Thao cho rằng, ngay từ khâu đầu, nếu bà con trồng cà phê đã đặt mục tiêu xây dựng chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp thì những nhà rang, xay, doanh nghiệp chế biến sẽ dễ dàng tạo ra những sản phẩm nổi trội, thu về giá trị cao hơn, nâng ngành hàng phát triển. Đặc biệt chú trọng chế biến sâu thì không còn lo lắng được mùa mất giá hay ùn ứ không có đường tiêu thụ.

“Trong những năm 90, cà phê là cây xóa đói giảm nghèo ở Sơn La nhưng hiện nay thì cà phê là cây làm giàu cho người nông dân. Để tận dụng tối đa lợi thế của loại nông sản này, tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý Nhà nước tập trung vào chế biến sâu, vừa đem lại nguồn ngoại tệ cao hơn và đảm bảo cho người nông dân sống ấm no với cây cà phê”, ông Nguyễn Xuân Thao kiến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp