Đề xuất NHNN hạ thêm lãi suất có khả thi?

CHÍNH SÁCH Việt nAM
19:48 - 05/12/2021
Đề xuất NHNN hạ thêm lãi suất có khả thi?
0:00 / 0:00
0:00
Nhận định về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2021, TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay: “Tôi đánh giá NHNN làm vai trò rất tốt nhưng không ai biết”.

Điều hành chính sách tiền tệ 2 năm qua: "Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò rất tốt nhưng không ai biết!"

Tại phiên thảo luận chiều 5/12 Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong 2 năm qua, NHNN luôn trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững.

Theo ông Phạm Thanh Hà, đứng từ góc độ lượng, mục tiêu của NHNN với tư cách huyết mạch kinh tế là bảo đảm duy trì thanh khoản cho toàn nền kinh tế, cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp.

Cụ thể, về thanh khoản cho nền kinh tế, NHNN làm tốt vai trò duy trì cung ứng tiền dồi dào để hỗ trợ nền kinh tế, chẳng hạn mua 25 tỷ USD ngoại tệ trong hai năm 2020-2021, bơm ra thị trường lượng tiền đồng tương ứng.

Về thanh khoản cho TCTD, NHNN duy trì thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ TCTD ngay khi cần tiếp cận vốn với lượng cung ứng đều đặn hàng ngày, mức lãi suất thấp trên kênh thị trường mở.

Về thanh khoản cho doanh nghiệp, NHNN đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì thanh khoản thông qua các thông tư 01, 03 và 14, bao gồm miễn giảm lãi suất cho khoản vay cũ và mới với điều kiện ngân hàng phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai.

Ảnh tác giả

“Tính đến cuối tháng 11/2021, dư nợ tín dụng trong toàn nền kinh tế tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra trong năm nay là 12%. NHNN cũng phát tín hiệu sẵn sàng nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng 12/2021 nhằm bảo đảm thanh khoản. Ngoài ra, NHNN cũng thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ về việc bơm tiền trực tiếp cho các chương trình mục tiêu như tái cấp vốn ngân hàng chính sách xã hội hay tái cấp vốn cho Tổng công ty hàng không Việt Nam, đó là can thiệp trực tiếp về lượng. Về giá, tức mặt bằng lãi suất, ngay từ năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, qua đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng giảm theo. Hiện lãi suất điều hành giảm 1,5% - 2%, lãi suất huy động giảm 1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,77% so với đầu năm 2020”.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà
Biểu đồ thay đổi dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hàng năm (Nguồn: NHNN, Viện công nghệ và phát triển tài chính)

Biểu đồ thay đổi dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hàng năm (Nguồn: NHNN, Viện công nghệ và phát triển tài chính)

Ngoài ra, liên quan đến phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết việc NHNN duy trì lượng thanh khoản rất tốt trên thị trường đã tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), chẳng hạn TPCP kỳ hạn 30 năm với lãi suất dưới 3%. Việc phối hợp hài hòa, đồng bộ cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng duy trì nền tảng ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhận định về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2021, TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay: “Tôi đánh giá NHNN làm vai trò rất tốt nhưng không ai biết”.

“Nếu như không có thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 và Thông tư 14 của NHNN thì đã không đưa ra thị trường thêm 400.000 tỷ đồng”, TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Theo ông Phước, nếu nói trong gói kích thích hỗ trợ cho phục hồi kinh tế xã hội 2 năm qua, chính sách tiền tệ chỉ đóng 0,6 – 0,8% GDP có thể chưa tương ứng với hành động của NHNN.

Ông Phước lý giải không giống như Việt Nam, ở các quốc gia khác, NHNN hay các NHTM hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nới lỏng thể chế về tín dụng, tức là một mặt vẫn chấp nhận hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) là 8% nhưng các cấu phần để định ra tỷ lệ rủi ro của các khoản vay thì nới lỏng ra.

“Ví dụ tôi là một doanh nghiệp, tôi bị lỗ 2 năm 2020 - 2021, nếu như có tài sản đảm bảo, ngân hàng vẫn cho vay nhưng tôi phải định khoản vay đó có hệ số rủi ro 250%. Nếu như thế tổng tài sản có rủi ro sẽ vống lên nhanh, rồi ngân hàng phải đóng cửa không cho vay nữa. Như vậy, tôi đánh giá đó là sự nhanh nhạy của NHNN (trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua)”, TS. Trương Văn Phước nói.

Tương tự, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) nhận định chính sách của NHNN trong năm qua tiếp tục định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trên nền tảng 3 lần giảm lãi suất trong năm 2020, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa góp phần giữ vững cân đối vĩ mô mà vẫn tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới: có còn dư địa giảm lãi suất?

“Chính sách lãi suất cả giai đoạn (6 tháng hay 1 năm) phải là dương. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế có biểu hiện trì trệ, đình đốn, doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng dừng hoạt động, phá sản, thất nghiệp gia tăng, thì chính sách lãi suất cần phải được vận dụng linh hoạt hơn để nắn dòng đầu tư xã hội vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát dòng tiền đầu tư vào chứng khoán”, đề xuất của Hiệp hội DNVVN.

Liên quan đến đề xuất điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, TS. Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) đề xuất tiếp tục rà soát theo hướng giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với DNNVV.

Trước đó, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do TS. Cấn Văn Lực dẫn đầu đã khuyến nghị dư địa tiền tệ, dù không dồi dào như dư địa tài khóa nhưng khả năng hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng vẫn còn. TS. Cấn Văn Lực đề xuất đưa ra các biện pháp gián tiếp và trực tiếp - thông qua sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở - để tổ chức tín dụng phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất khoảng 0,5%-1% trong thời gian tới.

TS. Trương Văn Phước cũng cho rằng đề xuất giảm lãi suất thêm 0,5%-1% như trên "là rất tốt", nhưng làm thế nào để có dư địa giảm thêm lãi suất là vấn đề cần cân nhắc.

“Vận động các ngân hàng giảm chi phí thì được nhưng tôi nghĩ đó không phải yếu tố quan trọng để giảm lãi suất. NHNN phải giảm lãi suất bằng bộ chỉ tiêu điều hành chính sách tiền tệ của mình, tôi nghĩ vẫn còn đâu đó vẫn còn một số chỉ tiêu lãi suất có thể hạ trên quan điểm đảm bảo lãi suất thực dương. Đây mới là cái quan trọng bậc nhất trong giảm lãi suất. Còn một số yếu tố như vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tôi nghĩ chưa vội vàng nâng lên. Điều quan trọng nữa là tái cơ cấu một số NHTM cũng sẽ là nhân tố chính để giảm lãi suất”, ông Phước cho ý kiến.

Ảnh tác giả

“Vì sao hệ thống ngân thanh khoản dồi dào nhưng vẫn cạnh tranh nhau lãi suất, đó là vì có một số anh đang thiếu “thuốc” và tìm cách “mua thuốc” bằng bất cứ giá nào để điều trị bệnh thanh khoản của mình, đây là một vấn đề. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ xử lý được vấn đề lãi suất tại Việt Nam. Nếu không, để lãi suất tăng lên do áp lực lạm phát và do thị trường thì việc chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp sẽ phí đi nhiều”.

TS. Trương Văn Phước

Từ phía NHNN, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định dư địa chính sách tiền tệ liên quan mật thiết đến thách thức của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

“Lạm phát đang trở thành vấn đề toàn cầu, các ngân hàng Trung ương (NHTW) đã bắt đầu thu lại hỗ trợ. Thống kê cho thấy tính đến nay đã có 93 lượt tăng lãi suất của các NHTW toàn cầu, trong đó từ tháng 9 đến nay là 50 lượt, chỉ có 11 lượt hạ từ đầu năm đến nay. Tức là việc điều hành chính sách tiền tệ chung của thế giới đang thận trọng dần. Từ phía NHNN, chúng tôi đang theo dõi rất sát, nếu nguy cơ lạm phát hiện hữu thì có thể phải kiểm soát tiền tệ, ảnh hưởng đến thanh khoản và mặt bằng lãi suất”, ông Hà thông tin.

Ảnh tác giả

“Hệ thống ngân hàng huy động tiền của nền kinh tế để cho vay nền kinh tế, cho nên mặt bằng lãi suất cũng chỉ có thể giảm đến mức còn đủ sức hấp dẫn để thu hút được tiền vào hệ thống ngân hàng để cho vay nền kinh tế. NHNN cần cân bằng việc điều hành lãi suất trong tương quan với lạm phát và mức độ lợi ích của người gửi tiền, chất lượng tài sản của TCTD”.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà.

Trong giai đoạn 2020-2021, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ về việc hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch COVID-19, NHNN đã chủ động duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân và doanh nghiệp. Lãi suất cơ bản được điều hành linh hoạt trên nền tảng 3 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2020.

Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Giữa tháng 7 vừa qua, 16 NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay NHNN sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, trong điều kiện cho phép tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ còn chịu tác động khá lớn từ các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như mối quan tâm của các đối tác thương mại lớn với Việt Nam, tiêu biểu là Mỹ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.