Dịch tả tại Syria lây lan bất thường

dịch tả Syria
07:40 - 14/10/2022
Dịch tả tại Syria gây nên lo ngại nó có thể lan rộng khắp Trung Đông. Ảnh: Anadolu Agency
Dịch tả tại Syria gây nên lo ngại nó có thể lan rộng khắp Trung Đông. Ảnh: Anadolu Agency
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông báo chính thức của tổ chức cứu trợ quốc tế Caritas International, số ca nhiễm dịch tả tại Syria đang tăng mạnh trong khi đợt bùng dịch đã lây nhiễm cho hàng chục nghìn người trên khắp đất nước, gây ra nhiều lo ngại.

RT trích dẫn thông cáo báo chí hôm 12/10 của Caritas International cho biết tổ chức này đang “cực kỳ lo ngại” về chiều hướng tiến triển của dịch tả tại Syria. Nguyên nhân là do đợt bùng dịch này tương đối bất thường tại Trung Đông và Syria, đồng thời cũng là một dấu hiệu cho thấy một thảm họa đang dần phát triển tại đất nước này.

Caritas cho biết đã có ít nhất 13.059 người ở Syria nhiễm căn bệnh này kể từ đầu tháng 9. Đi kèm số lượng ca nhiễm bệnh trên là hơn 60 người đã chính thức tử vong do các triệu chứng chính của dịch tả bao gồm tiêu chảy và nôn mửa.

Theo người đứng đầu nhóm Trung Đông của tổ chức này là ông Christoph Klitsch-Ott, tình trạng nghèo đói gia tăng trong nhiều năm đi cùng điều kiện vệ sinh kém đã khiến dịch bệnh này sinh sôi nhanh chóng. Những người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những người tị nạn và người phải bỏ nhà đi - những người nghèo nhất trong xã hội.

Hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn tới bùng dịch, tuy nhiên các chuyên gia tin rằng các bể chứa nước uống bị ô nhiễm và rau bị ô nhiễm là thủ phạm chính dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh. Trong hơn 12 năm xung đột vừa qua, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng vệ sinh của quốc gia này đã bị phá hủy nghiêm trọng. Vì vậy, khoảng 13 triệu người Syria đang không thể tiếp cận với nguồn nước sạch và các trang thiết bị vệ sinh cần thiết.

Tình hình này càng nghiêm trọng hơn nhiều tại các trại tị nạn, nơi mọi người bị buộc phải sống trong không gian hạn chế và không được tiếp cận với các nguồn nước an toàn.

Theo ông Klitsch-Ott, tuy Caritas đã nỗ lực hết sức trong việc phân phối nguồn nước sạch và chất khử trùng tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đất nước, tổ chức này vẫn lo ngại dịch bệnh tiếp tục lây lan. Thậm chí, nó còn có thể lây ra ngoài Syria tới khắp khu vực Trung Đông.

Lo lắng này không phải là không có cơ sở, đặc biệt khi mới chỉ vào tháng 9 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra cảnh báo về dịch tả bùng phát ở 26 quốc gia trên thế giới với tỷ lệ tử vong trung bình của năm 2022 cao gấp 3 lần so với 5 năm trước.

Nhằm giải quyết tình hình này, trưởng nhóm của WHO về bệnh tả và tiêu chảy Philippe Barboza đã kêu gọi các quốc gia “hành động ngay bây giờ”. Để có thể ngăn chặn dịch bệnh lan rộng hơn nữa, đồng thời tìm cách sản xuất thêm vaccine phòng bệnh tả và mở rộng khả năng tiếp cận với thuốc kháng sinh và nước sạch của người dân tại những vùng bị ảnh hưởng, WHO nhấn mạnh vào sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, bệnh tả là bệnh tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn đường ruột. Người mắc phải bệnh này thường là do ăn phải thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm vi khuẩn tả. Hàng năm trên toàn thế giới, có hàng triệu người nhiễm bệnh này nhưng hầu hết là có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể nhanh chóng đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là đối với người cao tuổi cũng như những người bị mất nước.

Đọc tiếp