Diễn đàn Người lao động năm 2023: Cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt

LAO ĐỘNG QUỐC HỘI
16:02 - 28/07/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn - Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn Người lao động năm 2023 quy tụ 500 đại biểu đại diện người lao động cả nước thảo luận trực tiếp với lãnh đạo Quốc hội và các bộ, ngành, lần đầu tiên được tổ chức với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chiều 28/7, Quốc hội tổ chức Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề ''Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn''.

Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đại diện cho công nhân, người lao động cả nước.

Diễn đàn Người Lao động năm 2023 tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính.

Một là, vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của người lao động; vấn đề bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho người lao động.

Hai là, phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật đất đai…

Ba là, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa lãnh đạo Quốc hội và các lãnh đạo bộ, ngành ở Trung ương với đoàn viên công đoàn, người lao động.

Gần 500 đại diện người lao động tham dự Diễn đàn Người Lao động năm 2023.

Gần 500 đại diện người lao động tham dự Diễn đàn Người Lao động năm 2023.

Gần 1.600 kiến nghị của đoàn viên, người lao động gửi đến diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết sau 2 tuần triển khai lấy ý kiến người lao động cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận gần 1.600 kiến nghị của đoàn viên, người lao động và hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn.

"Nhiều vấn đề rất được đoàn viên, người lao động quan tâm như nhà ở; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc rút bảo hiểm một lần; các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang…

Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của công nhân, trong sinh hoạt văn hóa, thể thao; khó khăn trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân… Đây cũng là mối quan tâm, trăn trở của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn", Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Đình Khang, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến thành 45 vấn đề lớn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.

Tại diễn đàn này, đại diện đoàn viên, người lao động cả nước sẽ phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị cụ thể với những vấn đề được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại diễn đàn.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là diễn đàn đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội.

Coi đây như một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cuộc tiếp xúc này cũng rất đặc biệt khi lần đầu tiên tổ chức và có sự tham dự của các bộ trưởng chuyên ngành.

"Việc Quốc hội, cơ quan Quốc hội có dịp để gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của công nhân, người lao động, của các công đoàn các cấp, để hoàn thiện hệ thống pháp luật là việc cần thiết và rất có ý nghĩa", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh mọi quyết sách của Quốc hội đều phải lấy người dân và doanh nghiệp đặt ở vị trí trung tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện cán bộ công đoàn, người lao động tập trung phát biểu, cho ý kiến vào 2 nhóm vấn đề lớn.

Một là tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân, viên chức và cán bộ công đoàn nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về lao động, việc làm, sinh kế và thu nhập của người lao động.

Thứ hai, Chủ tịch Quốc hội hy vọng sẽ được lắng nghe trao đổi, kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn này cũng như giai đoạn tới, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, có tính khả thi cao.

Đặc biệt, ông lưu ý những luật liên quan trực tiếp người lao động như các dự án luật liên quan luật Đất đai, Luật Công đoàn...

Từ trao đổi của người lao động, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan Quốc hội, ban bộ ngành trực tiếp thông tin để nắm được phương án, giải pháp cho từng vấn đề, nội dung.

Ông cho rằng thông qua diễn đàn, cơ quan tổ chức hữu quan sẽ có thêm thông tin trong quá trình xây dựng pháp luật.

Đọc tiếp