Đình công lớn nhất một thập kỷ đang diễn ra tại Đức

Đình công Đức
15:30 - 27/03/2023
Bảng thông tin khởi hành các chuyến bay bên trong sân bay Munich, Đức. Ảnh: Reuters
Bảng thông tin khởi hành các chuyến bay bên trong sân bay Munich, Đức. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 27/3, hàng triệu người sử dụng phương tiện công cộng để đi làm tại Đức sẽ gặp phải sự gián đoạn nghiêm trọng do các nhân viên ngành vận tải cả nước tổ chức một cuộc đình công lớn yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát cao.

Theo Guardian, nhân viên tại các sân bay, bến cảng, đường sắt, xe bus và tàu điện ngầm trên khắp nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ nghe theo lời kêu gọi từ các công đoàn Verdi và EVG và tham gia vào cuộc tuần hành ngày đầu tuần. Verdi đại diện cho khoảng 2,5 triệu nhân viên làm việc trong lĩnh vực công, trong khi EVG đại diện cho 230.000 nhân viên thuộc các công ty đường sắt và xe bus.

Trả lời đài truyền hình công cộng Phoenix của Đức, giám đốc Verdi Frank Werneke cho biết một cuộc đấu tranh cho người lao động mà không gây ra tác động nào là vô nghĩa. Ông thừa nhận việc này sẽ gây ra nhiều bất tiện cho hành khách và khách du lịch. Tuy nhiên, ông tuyên bố “một ngày bị gián đoạn với triển vọng đạt được thỏa thuận về lương” vẫn tốt hơn nhiều so với “nhiều tuần gián đoạn vì đình công”.

“Cuộc đình công lớn”, theo cách gọi của truyền thông địa phương, diễn ra sau khi một số lĩnh vực của Đức, bao gồm dịch vụ bưu chính, sân bay và giao thông địa phương, đều chứng kiến các cuộc đình công trong những tháng gần đây.

Do cuộc đình công ngày 27/3, công ty đường sắt nhà nước Deutsche Bahn (DB) đã đình chỉ hoàn toàn tất cả các chuyến tàu đường dài trong khi nhiều tuyến khác trong khu vực và địa phương sẽ bị đình trệ. Công ty dự đoán cuộc đình công sẽ có “tác động lớn” đến toàn bộ mạng lưới đường sắt của mình và cam kết sẽ thông báo cho khách hàng “nhanh chóng và toàn diện nhất có thể” về việc hủy bỏ và chậm trễ.

Trong khi đó, Hiệp hội sân bay Đức cho biết cuộc đình công vượt quá sức tưởng tượng, đồng thời ước tính khoảng 380.000 hành khách đi máy bay sẽ bị ảnh hưởng.

Lối vào bị đóng tại một ga tàu điện ở Munich, Đức do nhân viên đình công ngày 27/3. Ảnh: Reuters

Lối vào bị đóng tại một ga tàu điện ở Munich, Đức do nhân viên đình công ngày 27/3. Ảnh: Reuters

Lời kêu gọi đình công hiếm hoi này tại Đức đánh dấu sự leo thang trong tranh chấp tiền lương trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Hiện công đoàn Verdi đang yêu cầu mức tăng 10,5% tiền lương hàng tháng trong khi công đoàn EVG yêu cầu mức tăng lương 12% cho những người lao động mà tổ chức này đại điện.

Tuy nhiên các công ty sử dụng lao động, chủ yếu là các công ty trong lĩnh vực công và công ty nhà nước, vẫn luôn từ chối các yêu cầu trên và chỉ đưa ra mức tăng 5% với hai khoản thanh toán một lần là $1.100 và 1612 USD trong năm nay và năm tới.

Với lạm phát lên tới 8,7% trong tháng 2, các nhà tuyển dụng đã cáo buộc các công đoàn lao động góp phần gây ra tình trạng này thông qua các yêu cầu tăng lương. Tuy nhiên, các công đoàn phản đối khi cho rằng người lao động đang phải chịu gánh nặng về chi phí sinh hoạt tăng vọt.

Dự kiến vòng đàm phán tiền lương lần thứ 3 cho các nhân viên trong khu vực công sẽ bắt đầu ngày 27/3. Tuy nhiên, một số công đoàn đã thành công trong việc giành được những khoản tăng lương lớn.

Nhân viên bưu điện đã đạt được mức tăng trung bình hàng tháng là 11,5% vào đầu tháng 3. Trước đó vào tháng 11 năm ngoái, IG Metall, công đoàn lớn nhất của Đức, đã đảm bảo mức tăng tổng cộng 8,5% cho gần 4 triệu nhân viên mà họ đại diện.

Trạm xe điện trống rỗng ở Munich, Đức trong cuộc đình công toàn quốc ngày 27/3 do công đoàn Verdi của Đức kêu gọi về tranh chấp tiền lương. Ảnh: Reuters

Trạm xe điện trống rỗng ở Munich, Đức trong cuộc đình công toàn quốc ngày 27/3 do công đoàn Verdi của Đức kêu gọi về tranh chấp tiền lương. Ảnh: Reuters

Đọc tiếp