Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tăng quyền hạn cần đi liền với trách nhiệm

Thủ đô HÀ NỘI
17:05 - 18/09/2023
Toàn cảnh cuộc hội nghị. Ảnh: VGP
Toàn cảnh cuộc hội nghị. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 18/9, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của các nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10/2023.

Tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp.

Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhiều ý kiến khác nhau cả về quan điểm và việc đưa thành những điều luật cụ thể.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Hà Nội. Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Hà Nội. Ảnh: VGP

Luật Thủ đô (sửa đổi): Quyền hạn cần đi liền với trách nhiệm

Tại Hội nghị này, các nguyên lãnh đạo TP Hà Nội đã có ý kiến đóng góp đối với toàn bộ dự thảo Luật. Trong đó, có những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau, cần được tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá toàn diện.

Đóng góp vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải có một điều có tính bao trùm, khái quát hơn khẳng định tính vượt trội so với các Luật khác.

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị phải tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND thành phố cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác, tương tự đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội; đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm, trách nhiệm phải lớn hơn.

Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu quan điểm, cần thống nhất là đây là Luật Thủ đô chứ không phải luật cho riêng Hà Nội. Để quy định được các quy định vượt trội, thì phải thống nhất là quan điểm là quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm, chứ không phải đặc quyền đặc lợi; đi liền với quyền hạn vượt trội, Thủ đô phải gương mẫu, đi đầu trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Từ thống nhất quan điểm như thế, mới có thể mạnh dạn giao quyền hạn vượt trội cho Hà Nội.

Về phân quyền cho Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND thành phố đề nghị phải tính toán, xem xét kỹ với từng đề xuất, phải căn cứ vào năng lực, khả năng thực hiện, các hệ quả liên quan… Ví dụ như đề xuất quy định giao cho HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1000ha, đất trồng lúa dưới 500ha sang mục đích khác là không phù hợp.

Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn góp ý vào Chương II dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đối với điều chỉnh tại Điều 9 về HĐND thành phố quy định rõ được bầu 125 đại biểu, trước đây chỉ được bầu có 95 đại biểu, nguyên Chủ tịch HĐND TP tán thành và cho rằng tăng như vậy là phù hợp.

Ông Trần Văn Tuấn cũng đề nghị phải tăng thẩm quyền Hà Nội quyết định về biên chế công chức, viên chức; quy định cụ thể về hệ số tăng thêm hằng năm để dễ tổ chức thực hiện.

Góp ý về nội dung quy định di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, bản chất quy hoạch Thủ đô là quy hoạch vùng, nên theo Luật Quy hoạch là phải tuân thủ quy hoạch ngành và quy hoạch cấp quốc gia.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ này để bảo đảm việc di dời các cơ sở trên có tính khả thi, phù hợp, không bị chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành.

Cụ thể tại Điều 29, việc quy định di dời các cơ sở y tế phải tính toán kỹ để bảo đảm không làm xáo trộn việc chăm sóc sức khoẻ của người dân và bảo đảm nơi mới phải tốt hơn nơi cũ; cần đánh giá cả các cơ sở y tế của Hà Nội, chứ không chỉ di dời các bệnh viện Trung ương...

Các nguyên lãnh đạo cũng đóng góp ý kiến vào nhiều vấn đề cụ thể như, nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4); việc thu hồi đất trong vùng phụ cận khi xây dựng mới hoặc mở rộng tuyến đường giao thông (Điều 20); quản lý, xây dựng, khai thác không gian ngầm Thủ đô (Điều 21); quy định về hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân (Điều 29); Quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư và việc xây dựng lại nhà chung cư (Điều 31)…

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012). Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý, điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đặc biệt, dự thảo Luật Thủ đô bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp cho Luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.

Tin liên quan

Đọc tiếp