Đưa sâm Ngọc Linh trở thành ‘quốc bảo’ bằng khoản đầu tư 70.000 tỷ đồng

Sâm Việt nAM
11:35 - 16/06/2022
Triển lãm Sâm Ngọc Linh do UBND Kon Tum tổ chức năm 2018. Ảnh: UBND Kon Tum
Triển lãm Sâm Ngọc Linh do UBND Kon Tum tổ chức năm 2018. Ảnh: UBND Kon Tum
0:00 / 0:00
0:00
Sâm Ngọc Linh của Việt Nam là loại dược liệu quý hiếm với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu khác có được , đặt ra yêu cầu cần có những cơ chế, định hướng phát triển chiến lược cho sản phẩm nông sản có giá trị cao này.

Nhằm nâng cao giá trị cho cây sâm Việt Nam trên cơ sở văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045”, từ tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 8 tỉnh về việc đánh giá, tổng kết chương trình trong suốt thời gian qua và xây dựng Chương trình sâm đến năm 2030.

Cụ thể, nhu cầu vốn dự kiến của chương trình gần 70.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho 6 dự án thành phần, gồm: Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn sâm gắn với bảo vệ, phát triển rừng; Phát triển vùng nguyên liệu gây trồng, phát triển sâm tập trung; Nghiên cứu, phát triển, chọn giống; Thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam bền vững và toàn diện theo chuỗi giá trị; Xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại; Phát triển hạ tầng vùng trồng sâm gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

Tại Hội thảo ngày 15/6 về xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, ông Vũ Thành Nam, Phó vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng Cục Lâm nghiệp) cho biết, Chương trình hướng đến cung cấp được tối thiểu 80% giống cây sâm Việt có chất lượng đạt chuẩn, được kiểm soát nguồn giống gốc, hợp pháp phục vụ sản xuất đại trà. Trong đó có ít nhất 50% cây giống được nhân từ mô nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng buôn bán sâm Ngọc Linh giả trong lần thăm vườn sâm Kon Tum 2018. Ảnh: UBND Kon Tum
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng buôn bán sâm Ngọc Linh giả trong lần thăm vườn sâm Kon Tum 2018. Ảnh: UBND Kon Tum

Với diện tích sâm tại nước ta đến năm 2030 thì sản lượng khai thác dự kiến sẽ đạt khoảng 500 – 700 tấn đảm bảo chất lượng được phân cấp rõ ràng, đạt tiêu chuẩn GMP – WTO.

Đồng thời, có ít nhất 5 cơ sở hoặc nhà máy sơ chế và chế biến sâu cho sản phẩm sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP – WTO, có 50 – 100 sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, trong đó có sản phẩm có thương hiệu trên thị trường thế giới.

“Chương trình cũng sẽ từng bước hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển ngành hàng sâm Việt Nam; hoàn thiện chính sách đồng bộ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống, trồng và chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững”, ông Nam cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh thì cho rằng, việc xây dựng Chương trình phát triển sâm Việt Nam không phải dễ, đặc biệt là đối với đối tượng sâm. Đây chỉ là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm.

Ảnh tác giả

“Về nguồn vốn, chính sách phải sát, phải thật, không bày ra nhiều, dàn trải. Đồng thời, phải hình thành nhóm hoạt động gồm các đơn vị của Bộ NN&PTNT và mời cả Bộ Y tế tham gia. Thêm nữa là phải tham vấn Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có sự đồng thuận, ủng hộ, và xây dựng chương trình mang tính khả thi để trình Thủ tướng phê duyệt”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh

Nhìn nhận sâm như một ‘Quốc bảo’

Theo đại diện các tỉnh có diện tích trồng sâm, thời gian qua, chính quyền các tỉnh này đã có những cơ chế, chính sách để bảo tồn, phát triển giống gốc. Tuy nhiên, việc đầu tư và phát triển cây sâm ở các địa phương hiện nay cho thấy vẫn còn vấp phải những khó khăn, vướng mắc. Như tại tỉnh Kon Tum, có hơn 50% diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Do đó, việc phát triển sâm Ngọc Linh còn nhiều hạn chế vì Luật Lâm nghiệp 2017 không cho phép tác động vào rừng đặc dụng.

Ngoài ra, công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, nhất là việc xác định về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, nhiều sản phẩm sâm giả đã xuất hiện trên thị trường đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng, thương hiệu của loại cây này. Thêm nữa, vốn đầu tư để phát triển sâm Ngọc Linh cũng rất lớn, để đầu tư trồng với diện tích 1 ha ước tính kinh phí lên đến hàng tỷ đồng nên người dân không đủ tiền đầu tư.

Đánh giá về hiệu quả khai thác giá trị cây sâm, bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh cho rằng, khi đã được gọi là “quốc bảo” thì cây sâm Ngọc Linh không còn chỉ là một đối tượng cây trồng đơn thuần trong danh mục trồng trọt của ngành nông nghiệp nữa, mà nó phải trở thành một đối tượng đặc biệt, được đối xử đặc biệt và được bảo vệ đặc biệt.

“Tuy nhiên, hiện nay cây sâm Ngọc Linh mới chỉ đang được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một “quốc bảo” mang trong mình sứ mệnh chuyên chở hàm lượng tri thức bản địa, sự hội tụ đa dạng sinh học tinh hoa đất trời nước Nam và vô vàn câu chuyện văn hóa gắn với sự sinh tồn của giống cây dược liệu vô cùng quý giá này”, bà Liên cho hay.

Vì vậy, theo bà Liên cần bảo tồn nguồn gen giống gốc sâm Ngọc Linh bản địa không bị lai tạp. Trước khi mở rộng vùng trồng theo chỉ dẫn địa lý của cây sâm Ngọc Linh cần phải xây dựng một hồ sơ lý lịch tư pháp và sinh học đặc biệt được số hóa và mã hóa cho cây sâm Ngọc Linh.

“Nhanh chóng xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, khuyến khích và đầu tư nguồn lực nhà nước cho việc ra đời những siêu phẩm chiết xuất, chế biến từ Sâm Ngọc Linh có giá trị và công dụng vượt trội để giá trị được nâng cao hơn”, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp