Đức gặp khó trong tìm kiếm nguồn cung khí đốt trước mùa đông

KHÍ ĐỐT Đức
16:32 - 26/08/2022
Đức đang gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Canada. Ảnh: tageschau
Đức đang gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Canada. Ảnh: tageschau
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt trong nước khó khăn, kết quả không khả quan của chuyến thăm Canada trong tuần này của Thủ tướng Đức Olaf Scholz càng khiến viễn cảnh tương lai của nền kinh tế số 1 châu Âu thêm u ám.

Nhằm thay thế nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG của Nga, Đức cùng nhiều nền kinh tế châu Âu khác đang chạy đua để tìm kiếm các nhà cung cấp khác. Việc này lại càng cấp bách hơn khi mùa đông sắp tới và Nga đang dần cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream với lý do lỗi kỹ thuật xuất phát từ các lệnh cấm vận.

Là một quốc gia phụ thuộc vào khí đốt từ Nga, các nhà lãnh đạo Đức đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của mình, đồng thời tìm kiếm nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, chuyến thăm quốc gia xuất khẩu LNG lớn thứ 5 thế giới là Canada của Thủ tướng Đức đã không mang lại kết quả khả quan.

Cụ thể theo Reuters đưa tin, các rào cản về môi trường và quy định đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí ở bờ biển Đại Tây Dương là một trở ngại đối với Canada. Thêm vào đó, sự ủng hộ cho ý tưởng này ở Ottawa cũng đang nguội dần. Vài ngày trước chuyến thăm của Thủ tướng Đức, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson nói với Reuters rằng chính phủ hiện nghĩ giải pháp tốt nhất là xuất khẩu hydro chứ không phải LNG.

Ở một diễn biến khác hồi tháng 5, Canada cho biết đang đàm phán với 2 công ty để có thể đẩy nhanh các dự án tàu chở LNG đến châu Âu trong vòng một vài năm tới. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đang đặt câu hỏi về việc liệu các trạm LNG này có thể sinh lời hay không.

Ngoài ra, Canada cũng đang đưa ra các cân nhắc về việc liệu các trạm LNG có được xây dựng đủ nhanh để tạo ra sự khác biệt đối với những khó khăn về nguồn cung dài hạn của châu Âu hay không.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Scholz hôm đầu tuần, ông Trudeau cũng củng cố thông điệp trên khi cho biết ý tưởng xây dựng và đưa vào kinh doanh các trạm LNG ở bờ biển phía đông Canada “chưa bao giờ quá mạnh mẽ”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Bloomberg

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Bloomberg

Mặt khác, khoảng thời gian 2 năm tới năm 2024 – khoảng thời gian Đức muốn loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga – cũng bằng với khoảng thời gian các trạm LNG của Canada đi vào hoạt động. Việc này tốn nhiều thời gian phần lớn là do nhu cầu mở rộng công suất đường ống để đưa khí đốt từ phía tây Canada đến bờ biển phía đông.

Tuy nhiên, việc xây dựng các đường ống mới ở Canada và Mỹ là vô cùng khó khăn do sự phản đối gay gắt liên quan tới môi trường và các rào cản quy định. Đã có một số dự án bị hủy bỏ sau nhiều năm bị hoãn, ví dụ như các dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Energy East và Keystone XL của tập đoàn TC Energy.

Theo nhà phân tích Dulles Wang của Wood Mackenzie, một rào cản khác của việc mở rộng đường ống tới từ việc công tác mở rộng cần thực hiện bên ngoài Canada ở New England, và đó không phải là khu vực thân thiện nhất để phát triển đường ống. Nguyên nhân là do biết bất kỳ dự án nào cũng cần có sự hỗ trợ rộng rãi, bao gồm từ các nhóm và cộng đồng bản địa.

Ngoài ra theo Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Repsol Josu Jon Imaz, các công ty khí đốt Canada sẽ cần người mua cam kết một hợp đồng từ 15 năm đến 20 năm cũng như cơ sở hạ tầng đường ống mới và các thỏa thuận thu phí để lấy khí đốt từ phía Tây Canada đến bờ biển Đại Tây Dương.

Trên hết, bản thân nước Đức và Canada cũng gặp phải nhiều trở ngại trong việc chốt các hợp đồng khí đốt, đặc biệt là do các lo ngại về biến đổi khí hậu. Đức đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2045, trong khi Ottawa cũng cần đảm bảo các dự án cung cấp khí LNG mới cho châu Âu sẽ không gây ảnh hưởng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của mình.

Đọc tiếp