EU thừa nhận thiệt hại nhiều hơn Mỹ trong cuộc xung đột tại Ukraine

KINH TẾ eu
11:59 - 04/12/2022
EU thừa nhận thiệt hại nhiều hơn Mỹ trong cuộc xung đột tại Ukraine
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đối với Liên minh châu Âu (EU) nghiêm trọng hơn so với Mỹ. 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera của Italy ngày 3/12, ông Michel cho biết quan hệ an ninh giữa châu Âu và Washington đã được củng cố kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra và khi phương Tây hậu thuẫn cho Kiev. "Đã có sự phối hợp chưa từng có tiền lệ trong cuộc chiến ở Ukraine", ông Michel nói.

Tuy nhiên, quan chức này cho rằng, quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 bên không đạt được như vậy, khi "tác động của cuộc xung đột đối với Mỹ không giống như châu Âu".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: AFP

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: AFP

"Mọi thứ dễ dàng hơn đối với Mỹ vì nước này là nhà xuất khẩu tài nguyên năng lượng và hưởng lợi từ giá dầu thô và khí đốt tăng, trong khi EU phải trả một cái giá đắt", ông Michel nói, đồng thời cảnh báo châu Âu "đang đối mặt với rủi ro suy thoái".

Ông giải thích rằng: "Các ngành công nghiệp châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng và đối mặt với sự cạnh tranh từ các ngành công nghiệp Mỹ".

Khi được yêu cầu bình luận về đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành hồi mùa hè, ông Mitchel nói rằng: "Mỹ luôn ưu tiên lợi ích kinh tế của mình".

"Có đi có lại và có một sân chơi bình đẳng là điều cần thiết để cơ chế toàn cầu hóa hoạt động", người đứng đầu Hội đồng châu Âu nhận định, đồng thời bày tỏ hy vọng EU và Mỹ có thể thỏa luận về hợp tác chung trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, các lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng chỉ trích đạo luật của Mỹ khi có các điều khoản trợ cấp và giảm thuế quy mô lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xanh. Các cuộc họp ở Brussels đều chỉ ra những lo ngại rằng các biện pháp này sẽ thu hút doanh nghiệp châu Âu đến Mỹ do giá năng lượng thấp hơn nhiều lần, đồng thời các công ty EU sẽ không thể cạnh tranh với công ty Mỹ trong tương lai.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cuối tháng 11 chỉ trích Mỹ "cạnh tranh không lành mạnh" với Đạo luật Giảm lạm phát và nêu khả năng đáp trả là có thể ban hành Đạo luật Mua hàng châu Âu tương tự.

"Đạo luật giảm lạm phát rất đáng lo ngại. Tác động tiềm năng của nó đối với nền kinh tế châu Âu là rất lớn", Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher cho biết, theo Politico.

Thậm chí một nhà ngoại giao EU còn đặt ra nghi vấn: "Đạo luật giảm lạm phát đã thay đổi mọi thứ. Washington có còn là đồng minh của chúng tôi hay không?"

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 10 từng lên tiếng cáo buộc Mỹ muốn làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU) về cả quân sự và kinh tế. Nhà ngoại giao Nga cho rằng, người dân châu Âu đang chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt Nga "hơn gấp nhiều lần so với Mỹ".

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 28/11 thậm chí bình luận rằng quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) có thể "đi đến hồi kết". "Mỹ không có ý định chia sẻ thu nhập của mình. Ngược lại, họ giống như người chồng bòn rút nốt số tiền tiết kiệm cuối cùng từ người vợ lớn tuổi mà không chút e ngại".

EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng cao sau khi cắt nguồn cung năng lượng Nga. Khối này và Mỹ đều có chung lập trường là áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận để khiến Moscow suy yếu và từ bỏ chiến sự, đồng thời cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính cho Kiev.

Cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine khi cung cấp hơn 15,2 tỷ USD vũ khí và thiết bị kể từ khi bắt đầu chiến sự. Trong khi đó, EU đã viện trợ 8 tỷ Euro (8,4 tỷ USD) thiết bị quân sự cho Ukraine.

Đọc tiếp