EU tìm cách thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc

eu TRUNG QUỐC
15:31 - 04/04/2023
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến thăm Trung Quốc ngày 5/4. Ảnh: AFP
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến thăm Trung Quốc ngày 5/4. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc khi xúc tiến chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao tới Bắc Kinh, trong đó có chuyến thăm tuần này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Theo AFP, trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước, bà Ursula von der Leyen thừa nhận rằng các mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã trở nên “xa cách hơn và khó khăn hơn” trong những năm qua.

“Thấu hiểu lẫn nhau bắt đầu bằng việc nói chuyện với nhau”, bà nói.

Phát biểu trên của Chủ tịch EC được đưa ra trong bối cảnh bà và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày 5/4. Theo đó, bà Von der Leyen được Tổng thống Macron mời đi cùng trong chuyến thăm, nhằm thể hiện sự đoàn kết của EU.

EU tìm cách thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc  ảnh 1

Bà Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, tháng 4/2022. Ảnh: AFP

Trước họ, các lãnh đạo khác như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đều đã đến thăm Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 vào tháng 12/2022.

Một đại sứ châu Âu cho biết trong cuộc họp báo gần đây rằng mục tiêu của chuyến thăm hồi tháng 12 năm ngoái của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel là khôi phục đối thoại giữa EU và Trung Quốc. Trong khi đó, mục tiêu dài hạn là tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay.

Một nguồn tin ngoại giao khác cho biết Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng sẽ sớm đến thăm Trung Quốc.

Vấn đề Ukraine là “yếu tố quyết định”

Theo giới chuyên gia, chương trình nghị sự tại Bắc Kinh trong tuần này sẽ tập trung vào cuộc xung đột tại Ukraine. Cả ông Macron và bà Von der Leyen dường như muốn tái khẳng định các cam kết của EU đối với Ukraine trong các cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Trung Quốc luôn giữ quan điểm trung lập, kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp hòa bình, đồng thời từ chối việc lên án Nga trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, phương Tây đã bày tỏ không hài lòng về quan điểm trên của Bắc Kinh.

EU tìm cách thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc  ảnh 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin. Ảnh: Sputnik

“Không hề bị chia rẽ bởi cuộc chiến tại Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang duy trì ‘tình bạn không giới hạn’ với Tổng thống Nga Putin”, bà Von der Leyen bình luận. “Cách Trung Quốc tiếp tục tương tác với Nga sẽ là yếu tố quyết định quan hệ EU – Trung Quốc trong tương lai”.

Quan chức này cũng kỳ vọng các cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo EU và Trung Quốc sẽ là một diễn biến tích cực.

Mất cân bằng thương mại

Một chủ đề lớn khác dự kiến được thảo luận trong chương trình nghị sự tại Bắc Kinh là sự mất cân bằng thương mại giữa EU và Trung Quốc. “Chúng ta cần cân bằng lại mối quan hệ này”, Chủ tịch EC Von der Leyen nói.

"Quan hệ của chúng ta không mang tính trắng – đen. Chúng ta cũng không thể đưa ra những phản ứng tương tự. Chúng ta cần phải tập trung giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc, thay vì tách rời khỏi quốc gia này", bà nhận định.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại của EU tại Trung Quốc, nói với AFP: “Doanh số bán hàng của chúng tôi rất tệ. Năm ngoái, chúng tôi chỉ vận chuyển 1,6 triệu container đến Trung Quốc, xuất khẩu giảm đáng kể. Nhưng Trung Quốc đã thành công ngoài sức tưởng tượng khi họ đã xuất 6,4 triệu container vào châu Âu”.

Ông này cũng ước tính rằng các khoản đầu tư của châu Âu tại Trung Quốc đã giảm tới 50% trong những năm đại dịch, ngoại trừ các nhà sản xuất ô tô Đức BMW gần đây đã tập trung đầu tư vào việc phát triển xe điện ở nước này. Điều này cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc, khi chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022 - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Bà Von der Leyen cho biết bà tin rằng Trung Quốc sẽ xúc tiến các cuộc thảo luận về vấn đề Hiệp định đầu tư toàn diện của EU với Bắc Kinh – vốn đang bị đình trệ vì các lệnh trừng phạt.

“Các công ty Trung Quốc rất muốn đầu tư vào châu Âu, đó là lý do tại sao Trung Quốc đang thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định đầu tư một lần nữa. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị đã thay đổi rất nhiều kể từ khi kết thúc đàm phán vào năm 2020, vì vậy không có cơ hội tiến triển về nó nữa”, ông Joerg Wuttke nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp