Fed lo ngại lạm phát gia tăng khi nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi

LẠM PHÁT THẾ GIỚI
15:53 - 19/01/2023
Trụ sở Fed tại Washington DC, Mỹ. Ảnh: encirclephotos
Trụ sở Fed tại Washington DC, Mỹ. Ảnh: encirclephotos
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng đáng kể các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế quốc gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bày tỏ lo ngại về nhu cầu bị dồn nén tại quốc gia này khiến lạm phát gia tăng trở lại.

Sau nhiều đợt nâng lãi suất trong suốt năm 2022, các dữ liệu kinh tế mới nhất đều chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang dần được hạ thấp dù nó vẫn còn cách mục tiêu 2% của Fed khá xa. Tuy nhiên, một khi kinh tế Trung Quốc phục hồi kéo theo nhu cầu gia tăng, giá hàng hóa thế giới có thể sẽ tăng trở lại mức đầu năm 2022 – khoảng thời gian trước khi Fed bắt đầu hành trình tăng lãi suất để giảm áp lực lạm phát.

Theo CNBC trích dẫn báo cáo Triển vọng năm 2023 của công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng Raymond James, một Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn sẽ làm tăng cơ hội Fed duy trì chính sách diều hâu.

Cụ thể, ông Tavis McCourt, chiến lược gia tại Raymond James, cho biết một khi các hoạt động kinh tế của Trung Quốc dự kiến gia tăng trở lại, nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa cũng sẽ quay trở lại rất nhanh. Điều này xảy ra do người tiêu dùng đã được phép ra khỏi nhà và tự do hoạt động, dẫn tới nhu cầu các loại mặt hàng như xăng và nhiên liệu máy bay tăng.

Trên thực tế, giá hàng hóa đã tăng đáng kể từ tháng 12/2022 khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ hàng loạt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất và thông báo về kế hoạch mở cửa hoàn toàn. Hợp đồng tương lai 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London được giao dịch ở mức 9.436 USD sáng ngày 19/1 - tăng khoảng 12,5% từ đầu năm tới hiện tại. Trong khi đó, giá nhôm cũng tăng 11,7% trong tháng 1 theo dữ liệu được CNBC trích dẫn từ FactSet.

Các quan chức của Fed cũng từng bày tỏ lo ngại tình hình kinh tế tại Trung Quốc có thể đảo ngược các nỗ lực chế ngự lạm phát trong nền kinh tế Mỹ. Bên lề một sự kiện được tổ chức bởi tờ Wall Street Journal hôm 18/1, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại cùng khả năng xảy ra suy thoái thấp hơn tại châu Âu có thể khiến lạm phát tăng tốc trở lại.

Ông giải thích việc Trung Quốc từ bỏ chính sách zero-Covid và mở cửa trở lại sớm hơn dự đoán có thể tạo áp lực lên lợi nhuận trên thị trường hàng hóa toàn cầu, từ đó dẫn tới áp lực lạm phát tăng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Morgan Stanley, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể mang đến lo ngại về lạm phát nhưng sẽ không gây ra tác động lan tỏa với nền kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng Chetan Ahya của Morgan Stanley giải thích nguyên nhân là do sự phục hồi tại Trung Quốc được thúc đẩy bởi tiêu dùng nhiều hơn là bởi đầu tư.

Thêm vào đó, “cân bằng cung/cầu hàng hóa toàn cầu đóng vai trò quan trọng hơn và với nhu cầu hàng hóa toàn cầu vẫn đang giảm phát, nó sẽ hạn chế hơn nữa bất kỳ tác động lan tỏa nào đối với tỷ lệ lạm phát tại phần còn lại trên thế giới”.

Đọc tiếp