Giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7 hạ nhiệt nhẹ

LẠM PHÁT MỸ
13:30 - 11/08/2022
Tuy giá tiêu dùng hạ nhiệt nhẹ và một số chỉ số khác có biểu hiện tích cực, đây chưa phải là một sự hạ giá có ý nghĩa. Ảnh: Getty Images
Tuy giá tiêu dùng hạ nhiệt nhẹ và một số chỉ số khác có biểu hiện tích cực, đây chưa phải là một sự hạ giá có ý nghĩa. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu chính thức, tuy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7 không thay đổi, lạm phát vẫn đang ở ngưỡng cao trong nhiều thập kỷ, tạo cơ sở cho Cục Dự trữ Liên bang kiên trì với "chính sách diều hâu".

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ được công bố hôm 10/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này trong tháng 7 không tăng mà vẫn giữ nguyên mức cũ sau khi tăng 1,3% trong tháng 6. Mặt khác, giá xăng đã giảm khoảng 20% so với giữa tháng 6 - khoảng thời gian giá tăng lên ngưỡng cao kỷ lục 5 USD/gallon.

Một thành phần trong giỏ CPI là thực phẩm tiếp tục tăng 1,1% trong tháng 7 sau khi tăng 1% trong tháng 6. Trong 12 tháng đến tháng 7 vừa qua, chỉ số CPI tăng 8,5% với chỉ số CPI cốt lõi tăng 0,3% trong tháng 7 - mức thấp nhất trong 10 tháng và giúp giá vé máy bay giảm gần 8%. Áp lực lạm phát cơ bản, không bao gồm các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ bị ảnh hưởng, cũng cho thấy một tia hy vọng dù mong manh.

Dù không tăng cao hơn, Reuters nhận định nó cho thấy áp lực lạm phát về cơ bản vẫn đang cao. Vì vậy, nhiều chuyên gia dự đoán Fed sẽ có một đợt tăng lãi suất lớn khác trong cuộc họp tháng 9 tới. Về mặt cắt giảm lãi suất, cơ quan này cho biết nền kinh tế sẽ cần một vài đợt giảm tốc độ tăng CPI hàng tháng trước khi cân nhắc từ bỏ việc thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại.

Nhà kinh tế cấp cao của Capital Economics Paul Ashworth cũng cho biết đây chưa phải là sự sụt giảm có ý nghĩa về lạm phát mà Fed đang tìm kiếm. Tuy nhiên, nó là bước khởi đầu cho những dấu hiệu giảm bớt áp lực giá trong vài tháng tới.

Ở một diễn biến khác theo Fed Cleveland, một cách đo giá tiêu dùng thay thế là chỉ số CPI trung bình được công bố hôm 10/8 lại cho thấy một kết quả ít khả quan hơn. Được coi như là công cụ đem đến một cái nhìn tốt hơn về áp lực giá cả trong nền kinh tế, chỉ số CPI trung bình đã tăng 6,3% hàng năm trong tháng 7 so với 6% của tháng 6 trước đó.

Tuy áp lực lạm phát cho đến gần đây vẫn tập trung vào hàng hóa, người tiêu dùng đã tái tập trung chi tiêu vào dịch vụ khi đại dịch bắt đầu được kiểm soát tốt hơn. Trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt khiến tiền lương tăng lên, giá dịch vụ do đó cũng đã tăng theo. Một báo cáo riêng của Bộ Lao động ngày 10/8 cho thấy thu nhập trung bình hàng tuần thực tế đã tăng 0,5% trong tháng 7, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 năm 2021.

Giá dịch vụ không bao gồm các mặt hàng liên quan đến năng lượng tăng với tỷ lệ 5,5% hàng năm trong tháng 7. Theo bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Oxford Economics, “mặc dù báo cáo CPI tháng 7 khá đáng khích lệ, áp lực lạm phát vẫn còn mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ cốt lõi khi giá thuê nhà ở vẫn tăng mạnh”.

Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của Fed lo ngại rằng việc tăng tốc lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ sẽ khiến nó trở nên khó tháo gỡ hơn.

Đọc tiếp