Giấc mơ xe điện của Indonesia 'vênh' với cam kết môi trường

XE ĐIỆN Indonesia
17:26 - 15/11/2021
Giấc mơ xe điện của Indonesia 'vênh' với cam kết môi trường
0:00 / 0:00
0:00
Các hãng sản xuất ôtô trên thế giới đánh giá cao tiềm năng của thị trường xe điện Indonesia, tuy nhiên các cam kết môi trường về việc phá rừng của quốc đảo này có thể cản trợ sự phát triển của dòng xe chạy pin.

Giấc mơ xe điện của Indonesia

Thông qua Triển lãm Ôtô Quốc tế Indonesia năm 2021 (GIIAS 2021), các nhà sản xuất ôtô điện trên thế giới đều nhất trí lựa chọn Indonesia là điểm đến tiếp theo nhờ trữ lượng quặng niken – nguyên liệu quan trọng nhất trong sản xuất pin ôtô điện dồi dào, sự hậu thuẫn của chính phủ và tiềm năng tiêu thụ lớn do là nước đông dân thứ tư trên thế giới.

Indonesia dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất niken vào năm 2020 với sản lượng 760.000 tấn. Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, 30% việc sản xuất niken diễn ra tại Indonesia và 22% trữ lượng Niken toàn thế giới thuộc về quốc gia này, biến Indonesia thành mắt xích trọng yếu đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất pin xe điện.

Chính phủ Indonesia cũng đã thực hiện rất nhiều chính sách kích cầu thi trường bao gồm miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các phương tiện chạy hoàn toàn bằng điện. Xe điện cũng được miễn trừ tất cả các quy định hiện hành về luật đường bộ ở Jakarta, bao gồm luật cấm xe ôtô được lưu hành trên các tuyến đường chính vào các ngày cố định dựa trên biển số xe.

Ngoài ra, Indonesia còn có tham vọng trở thành chuỗi cung ứng xe điện nội địa, bao quát hết tất cả các quá trình từ khai thác quặng đến sản xuất pin và sản xuất xe. Điều này cũng sẽ giúp làm vững hơn vị thế của Indonesia trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu và giúp hạ thấp chi phí của các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường xuống, góp phần tăng mức độ phổ cập xe điện đến người dân.

Các công ty sản xuất ôtô trên thế giới đang mong đợi sự trợ giúp từ chính phủ sẽ khiến doanh số bán xe điện gia tăng – một trong những phương pháp Indonesia kì vọng sẽ giúp cắt giảm phát thải CO2 ròng về 0 vào năm 2060. Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết quốc gia này đang nhắm đến doanh số bán xe điện chiếm 20% tổng số xe bán ra tại đây vào năm 2025.

Mẫu xe điện mới nhất từ hãng Lexus tại Triển lãm GIIAS 2021. Ảnh: TTXVN

Mẫu xe điện mới nhất từ hãng Lexus tại Triển lãm GIIAS 2021. Ảnh: TTXVN

Đối với những nhà sản xuất đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, tận dụng chính sách hậu thuẫn xe điện từ chính phủ Indonesia đồng nghĩa với việc xâm nhập được vào thị trường ôtô vốn do các nhà sản xuất Nhật Bản thống trị. Theo thống kê, thị phần của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản tại Indonesia chiếm hơn 90%, tuy nhiên việc chậm bắt nhịp xu hướng sản xuất xe điện đang tạo cơ hội cho đối thủ khác chia nhau miếng bánh này.

Hyundai, hãng xe của Hàn Quốc có tham gia vào Triển lãm GIIAS 2021 với hai mẫu xe điện mới mang tên Ioniq và Kona, đã đầu tư gấp đôi vào các kế hoạch sản xuất tại Indonesia. Nhà máy sản xuất ôtô điện của Hyundai đặt tại Indonesia cũng đang ở trong những bước hoàn thiện cuối cùng và dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm sau. Trong khi đó LG, đối thủ cạnh tranh tại thị trường Hàn Quốc của Hyundai, cũng bắt đầu xây dựng dự án nhà máy sản xuất pin xe điện trị giá 1,1 tỉ USD vào tháng 9 năm nay.

Giám đốc điều hành Hyundai Motor Indonesia Makmur cho biết: "Dưới tư cách là một nhà sản xuất, chúng tôi luôn nỗ lực đem lại các sản phẩm tối ưu nhất”. Với việc các trạm sạc xe điện bắt đầu được xây dựng và bổ sung tại các thành phố ở phía Tây và phía Đông của đất nước, ông khẳng định thời đại của xe điện đã bắt đầu.

Phó Chủ tịch Han Dehong của Wuling Motors, một trong những nhà sản xuất xe điện giá rẻ tham dự Triển lãm GIIAS 2021 chia sẻ về việc công ty sẽ cho ra mắt mẫu xe điện mới GSEV tại thị trường Indonesia vào năm sau và đã có kế hoạch sản xuất xe điện tại đây trong tương lai gần.

Trong khi đó, các nhà sản xuất quốc tế như Tesla của Mỹ, CATL của Trung Quốc và Foxconn của Đài Loan đều bày tỏ mong muốn phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe điện và sản xuất pin tại Indonesia.

Trạm sạc xe điện Terra 24 CJG DC tại Indonesia. Ảnh: ABB

Trạm sạc xe điện Terra 24 CJG DC tại Indonesia. Ảnh: ABB

Giấc mơ xe điện "vênh" với cam kết môi trường

Tuy có tiềm năng lớn nhưng các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng, những nỗ lực trong việc phát triển chuỗi cung ứng xe điện có thể sẽ gặp phải trở ngại do cam kết bảo vệ môi trường của chính phủ Indonesia. Ngành công nghiệp xe điện tại đây đang gặp phải bài toàn khó trong việc biến những tham vọng thành sự thực, do việc chặt phá rừng buộc phải làm nếu muốn khai thác quặng niken phục vụ cho sản xuất pin ôtô điện.

Theo như dữ liệu của Global Forest Watch, trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2020, Indonesia là quốc gia có tỉ lệ đất trống đồi trọc cao thứ năm trên thế giới. Trong số 11.700 km2 rừng nguyên sinh bị chặt phá vào năm 2019, có đến 10.700 km2 rừng bị chặt phá để phục vụ cho sản xuất.

Tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow, Scotland, Tổng thống Joko Widodo đã cam kết tận dụng ngành lâm nghiệp và đất đai nhằm đạt mục tiêu hấp thụ nhiều carbon hơn thải ra vào năm 2030. Ngoài ra, ông còn kí vào Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, trong đó đồng ý ngăn chặn và khắc phục tình trạng chặt phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

Fitch Solutions cho rằng điều này đồng nghĩa với việc Indonesia sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn từ các nhà đầu tư, từ các quốc gia khác cũng như từ các nhà sản xuất ôtô về việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng khi các công ty này buộc phải tuân theo các Tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).

Việc này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên chuỗi cung ứng xe điện vì Indonesia là mắt xích quan trọng giúp duy trì các chuỗi cung ứng xe điện khác trong tương lai cũng như là nơi cung cấp pin NMC có hiệu năng cao dùng cho xe điện, một loại pin có nguyên liệu chính là niken.

Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar đã tóm gọn tình thế tiến thoái lưỡng nan của Indonesia bằng một chuỗi tin trên Twitter trong thời gian COP26. Bà cho biết việc Tổng thống Widodo cam kết biến ngành lâm nghiệp thành công cụ giúp cắt giảm phát thải CO2 vào năm 2030 không thể được hiểu theo nghĩa giảm tỉ lệ phá rừng xuống 0.

Bà lấy ví dụ ở Kalimantan và Sumatra có rất nhiều con đường không được liên kết với nhau do phải đi xuyên qua rừng trong khi có hơn 34.000 ngôi làng tọa lạc quanh khu vực đó. Nếu không được phép phá rừng thì cũng sẽ không có đường kết nối những ngôi làng lại với nhau. Sau cùng, bà nhận định những tiềm năng phát triển không thể bị ngừng lại bởi cam kết về phát thải CO2 và phá rừng.

Bhima Yudhistira, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Pháp luật Indonesia, lại có cái nhìn tích cực hơn khi cho rằng việc phát triển ngành công nghiệp xe điện trong khi vẫn tuân theo những cam kết của COP26 “không phải là việc không thể”. Ông kiến nghị rằng các nhà lãnh đạo cần phải cứng rắn để đảm bảo rằng quá trình sản xuất niken trở nên thân thiện với môi trường hơn. Mặt khác, thuế carbon, dự kiến chính thức có hiệu lực vào năm sau, cũng có thể được sử dụng như là một phương pháp đánh thuế những nhà sản xuất niken giống như những nhà khai thác than đá.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.